làng thì mới hiểu được cách bố trí những lối mòn này, đường đi
và các kết nối của chúng.
Tôi theo lũ trẻ đi lấy nước, vì đây là nhiệm vụ của chúng. Cách
nhà khoảng hai trăm mét có một dòng suối nhỏ chảy ri rỉ, lút
trong cỏ bấc và ngưu bàng, nơi các cậu bé chật vật lâu lắm mới
lấy được đầy xô. Sau đó chúng đội những xô nước này lên đầu
sao cho không một giọt nào bị sánh ra ngoài. Chúng đi một cách
chăm chú và thận trọng, cố gắng giữ thăng bằng cho những tấm
thân trẻ thơ bé nhỏ của mình.
Một xô nước dành cho việc rửa ráy buổi sáng. Người ta rửa
mặt và phải rửa sao cho không tốn nhiều nước. Vốc nước trong
xô lên và xoa khắp mặt, cẩn thận và không quá mạnh, để nước
không bị chảy qua kẽ tay. Không cần khăn mặt, bởi từ sáng mặt
trời đã thiêu đốt và khuôn mặt sẽ khô rất nhanh. Tiếp theo, mỗi
người bẻ một cành nhỏ trong bụi cây và cắn tòe một đầu thành
cái chổi gỗ. Dùng cái chổi này đánh răng thật lâu và kỹ. Có
những người làm việc đó hàng giờ liền, đối với họ nó cũng là trò
tiêu khiển như người khác nhai kẹo cao su.
Sau đó, vì đây là một ngày lễ kép (vừa là Chủ nhật vừa có
khách từ thành phố về), mẹ Godwin làm bữa sáng. Thông
thường ở quê người ta chỉ ăn một lần trong ngày, vào buổi tối,
còn vào mùa khô thì hai ngày một lần, chừng nào còn chưa gục
vì đói. Bữa sáng có trà và một mẩu bánh bột ngô, có cả một bát
matoke (món ăn nấu từ chuối xanh). Đám trẻ như lũ chim non
trong tổ: chúng hau háu nhìn bát matoke, và khi mẹ cho phép
ăn, chúng nuốt hết trong tích tắc.
Chúng tôi vẫn luôn ở ngoài sân. Thứ gây chú ý ngay là tảng đá
nằm chính giữa, một phiến đá hình chữ nhật: đó là mộ tổ,
masiro. Tập quán an táng ở châu Phi rất khác nhau. Một số bộ
tộc sống trong rừng đặt người chết nằm ngay giữa rừng, cho thú