dân châu Phi khác). Người châu Âu đầu tiên đến Rwanda vào
năm 1894 là một nhà du hành và sĩ quan người Đức, Bá tước G.
A. Von Götzen. Cần nói thêm rằng tám năm trước đó, trong hội
nghị Berlin khi các cường quốc thực dân chia nhau châu Phi,
Rwanda đã được chia cho nước Đức, điều mà không một người
Rwanda nào, thậm chí cả nhà vua, được thông báo. Những năm
ấy, nhân dân Rwanda sống với danh nghĩa dân thuộc địa mà
hoàn toàn không biết điều đó. Về sau, người Đức cũng không
mấy quan tâm đến thuộc địa này. Sau Thế chiến thứ nhất, họ
mất Rwanda vào tay nước Bỉ. Người Bỉ suốt một thời gian dài
cũng không có động thái gì đáng kể ở đây. Từ Rwanda ra bờ biển
rất xa, hơn 1.500 cây số, song trước hết là bởi đất nước này
không có giá trị gì lớn, không có thứ tài nguyên quan trọng nào
được tìm thấy ở đây. Nhờ thế, hệ thống xã hội Banyarwanda
hình thành từ hàng thế kỷ có thể tồn tại nguyên vẹn trong cái
thành trì núi non này đến tận giữa thế kỷ XX.
Hệ thống này có hàng loạt đặc điểm giống với chế độ phong
kiến châu Âu. Nhà vua cai trị đất nước với một nhóm quý tộc và
đám đông những người dòng dõi vây quanh. Tất cả họ tạo thành
tầng lớp cầm quyền - Tutsi. Thứ của cải lớn nhất và thực ra là
duy nhất của họ là gia súc: bò u, loài bò với những chiếc sừng
dài, đẹp, trông như thanh gươm. Người ta không giết bò, chúng
là loài vật thiêng, bất khả xâm phạm. Người Tutsi sống bằng sữa
và máu bò (máu được chiết ra từ động mạch cổ, đựng trong bình
rửa bằng nước tiểu bò). Mọi công việc này đều do đàn ông làm,
phụ nữ bị cấm tiếp xúc với bò.
Bò là thước đo của tất cả mọi thứ: sự giàu có, địa vị, quyền lực.
Ai có càng nhiều bò thì càng giàu. Càng giàu thì càng nhiều
quyền lực. Vua sở hữu nhiều bò nhất, đàn bò của ngài được
chăm sóc đặc biệt. Hằng năm, cuộc diễu hành bò trước ngai
vàng là mục quan trọng trong các dịp lễ dân tộc. Khi đó, hàng