Không. Những ngọn núi Rwanda tỏa ra sự ấm áp và thân ái,
hấp dẫn người ta bằng vẻ kiều diễm và yên tĩnh, bằng bầu
không khí lặng gió trong như pha lê, bằng sự thanh bình và
những đường nét, hình dáng tuyệt hảo của mình. Tinh mơ, các
thung lũng xanh mướt đong đầy sương mù trong suốt. Đúng ra,
đó là bức rèm mỏng nhẹ lấp lánh trong nắng mà qua nó, ta có
thể thấy được cả những cây bạch đàn, những bụi chuối, cả
những người đang làm việc trên đồng. Nhưng một Tutsi nhìn
thấy ở đó trước hết là những đàn bò đang gặm cỏ của mình. Giờ
đây, trong trại tị nạn, những đàn bò mà anh ta không còn sở hữu
nữa ấy, những đàn bò từng là cơ sở và ý nghĩa tồn tại của anh ta,
chúng lớn dần lên thành huyền thoại và truyền thuyết trong trí
tưởng tượng của anh ta, chúng trở thành giấc mộng, thành mơ
ước, thành ám ảnh.
Bi kịch Rwanda đã hình thành như thế, tấn thảm kịch của
dân tộc Banyanvanda, không khác gì nỗi bất lực Israel-Palestin
trong việc dung hòa lợi ích của hai cộng đồng cùng đòi hỏi một
mảnh đất, song nó lại quá nhỏ và chật chội để chứa cả hai. Bên
trong bi kịch này nảy sinh ra - ban đầu còn yếu ớt và mờ nhạt,
nhưng theo năm tháng càng lúc càng rõ ràng và mạnh mẽ hơn -
cám dỗ Endlosung
: giải pháp tối hậu.
Nhưng tạm thời đến đó vẫn còn cả chặng đường dài.
Đó là những năm sáu mươi, những năm đầy hứa hẹn và lạc
quan của châu Phi. Khắp châu lục tràn ngập tinh thần hy vọng
và mãn nguyện, khiến không ai chú ý đến các sự kiện đẫm máu
ở Rwanda. Không có liên lạc và báo chí, mà hơn nữa - Rwanda ư?
Nó nằm ở đâu? Đến đó bằng cách nào? Thực chất, đất nước này
hình như đã bị chúa trời và loài người lãng quên. Ở đó yên tĩnh,
không có sự sống và - điều chúng ta có thể nhanh chóng khẳng
định - rất buồn tẻ. Không có tuyến đường lớn nào chạy qua