Rwanda, không có thành phố lớn, ít khi có người đến đây. Nhiều
năm trước, khi tôi nói với anh bạn Michael Field, phóng viên của
The Daily Telegraph, rằng tôi đã đến Rwanda, anh hỏi: “Anh có
gặp tổng thống không?” “Không” - tôi đáp. “Vậy anh đến đó làm
gì?” Anh kêu lên sửng sốt. Nhiều đồng nghiệp của tôi cho rằng
điều hấp dẫn duy nhất trong một đất nước như thế chỉ có thể là
tổng thống. Nếu không thể gặp ông ta thì, trời đất ơi, đến đó để
làm gì?
Sự thật là tại một đất nước như thế, điều làm ta choáng váng
nhất khi gặp người dân ở đây là chủ nghĩa địa phương sâu sắc
trong tư duy của họ. Thế giới của chúng ta, về bản chất là một
hành tinh của hàng nghìn địa phương khác biệt không bao giờ
gặp nhau. Hành trình đi khắp thế giới là chuyến đi từ địa
phương này sang địa phương khác, mà mỗi địa phương là một
vì sao chỉ tỏa sáng cho riêng mình, đơn độc. Đối với phần đông
người sống ở đó, thế giới thực kết thúc ở ngưỡng cửa nhà họ, ở
rìa làng, cùng lắm là bờ thung lũng của họ. Thế giới nằm xa hơn
là không hiện thực, không quan trọng và thậm chí là không cần
thiết. Ngược lại, cái thế giới ta đang có trong tay, trong tầm nhìn
của ta, lớn lên tới tầm cỡ một vũ trụ vĩ đại khuất lấp tất cả.
Thông thường người địa phương và người từ nơi xa đến khó tìm
được ngôn ngữ chung, bởi mỗi người dùng một thấu kính khác
nhau để nhìn cùng một địa điểm. Người mới đến dùng thấu
kính góc rộng, nó cho anh ta nhìn thấy hình ảnh từ xa, thu nhỏ,
nhưng bù lại có đường chân trời dài, còn người đối thoại là
người địa phương thì luôn dùng ống kính tê lê, thậm chí là kính
thiên văn, phóng đại từng chi tiết nhỏ nhất.
Tuy nhiên, với người dân địa phương, các bi kịch riêng của họ
là thực, mà tấn thảm kịch thì đau xót và hoàn toàn không nhất
thiết là cường điệu. Ở Rwanda cũng vậy. Cuộc cách mạng năm
1959 chia dân tộc Banyarwanda thành hai phe đối nghịch nhau.