Tôi không biết, hoàn toàn không có khái niệm. Họ không
nghĩ gì hết? Họ mơ? Họ hồi tưởng? Họ lên các kế hoạch? Họ
ngẫm nghĩ? Họ đi vào thế giới bên kia? Rất khó nói.
Rốt cuộc, sau hai tiếng đồng hồ chờ đợi, chiếc xe buýt đầy
người rời bến. Trên con đường gồ ghề, bị xóc lên xóc xuống, các
hành khách hồi sinh. Người này lấy bánh quy ra, người kia bóc
chuối. Mọi người nhìn quanh, lau gương mặt đẫm mồ hôi, gấp
khăn mùi soa ướt lại cẩn thận. Bác tài luôn miệng nói gì đó, một
tay cầm vô lăng, tay kia làm điệu bộ. Mọi người cười ầm lên hết
lần này đến lần khác, bác tài cười to nhất, những người khác
cười nhỏ hơn; có thể chỉ vì lịch sự, vì họ thấy nên làm vậy?
Chúng tôi đi. Những người đồng hành trên xe buýt với tôi là
thế hệ thứ hai, cũng có cả thế hệ thứ nhất, của những người
may mắn được đi xe ở châu Phi. Hàng nghìn năm, châu Phi đã đi
bộ. Người dân ở đây không có khái niệm về bánh xe cũng như
không biết cách thích nghi với nó. Họ đi bộ, lang thang, những
gì cần mang theo thì đeo trên lưng, vác trên vai, thường nhất là
đội lên đầu.
Những con thuyền trên các hồ nước nằm sâu trong lục địa từ
đâu mà ra? Chúng đã được tháo rời ra từng bộ phận ở các hải
cảng, các bộ phận ấy được người ta đội lên đầu mang đi và lắp
ghép lại bên bờ hồ. Các thành phố, công xưởng, thiết bị mở, nhà
máy điện, bệnh viện đều được mang từng phần vào sâu trong
châu Phi. Toàn bộ nền văn minh kỹ thuật thế kỷ XIX đã được
chuyển vào lòng châu Phi trên đầu các cư dân của nó.
Dân Bắc Phi, thậm chí cả các cư dân của sa mạc Sahara, có
nhiều may mắn hơn: họ đã có thể dùng súc vật thồ - dùng lạc
đà. Nhưng lạc đà hay ngựa không thể thích nghi với vùng châu
Phi phía Nam sa mạc Sahara - chúng chết hàng loạt vì ruồi xê xê