nghiệp, họ thành lập các nhóm cứu hộ và kiếm tiền khi kéo xe
lên khỏi hố. Nó đem người tiêu thụ đến cho những người phụ
nữ bán đồ ăn dạo. Cái hố chặn đường và kìm hãm giao thông,
nhờ đó mà trong các cửa hàng vốn vắng tanh ở vùng này xuất
hiện các khách hàng bất đắc dĩ: hành khách và tài xế của những
chiếc xe đang chờ. Những người bán dạo thuốc lá và nước giải
khát cũng tìm được người mua hàng cho mình.
Hơn thế nữa, trên các ngôi nhà trong vùng, tôi thấy những
dòng chữ viết tay nguệch ngoạc còn mới: “Hotel”, dành cho
những người phải qua đêm trong khi chờ tới lượt mình xuống
hố. Các xưởng sửa xe trong vùng hồi sinh: các tài xế, nhân lúc
dừng xe, có thời gian để sửa các hỏng hóc, bơm lốp, nạp ắc quy.
Công việc của thợ may và thợ giày cũng nhiều lên, thợ cắt tóc
xuất hiện, tôi thấy cả các thầy lang lượn lờ, mời chào thảo dược,
da rắn, lông gà trống, sẵn sàng chữa khỏi bệnh ngay lập tức. Ở
châu Phi, những người làm các nghề này luôn luôn di chuyển,
họ đi lang thang, tìm khách hàng, và nếu có một cơ hội như cái
hố ở Onitsha này, họ sẽ kéo đến cả đám. Đòi sống xã hội cũng
khởi sắc: vùng quanh hố trở thành chốn gặp gỡ, trò chuyện,
tranh luận, còn với lũ trẻ - nó trở thành nơi vui chơi.
Tai họa của những người tài xế trên đường đến Onitsha trở
thành sự cứu rỗi cho cư dân ở Oguta Road, cho cả cái vùng tôi
không biết tên này. Điều này chỉ khẳng định thêm rằng mọi cái
xấu đều luôn tìm được những kẻ biện hộ cho nó, bởi nơi nào
cũng có những người được cái xấu nuôi sống, nó là cơ hội, thậm
chí là lý do tồn tại của họ.
Suốt một thời gian dài, người ta vẫn không cho sửa cái hố
này. Tôi biết vậy bởi nhiều năm sau, ở Lagos, khi tôi xúc động kể
lại cuộc phiêu lưu của mình đến Onitsha, người nghe trả lời tôi
bằng giọng thờ ơ: “Onitsha à? Ở Onitsha thì lúc nào chẳng thế”.