được tạc lên gỗ mun. Tôi không hiểu mấy những gì họ nói,
nhưng giọng họ nghiêm trang và xúc động. Khi nói, họ cảm
thấy mình chịu trách nhiệm về lịch sử dân tộc. Họ phải giữ gìn
và phát triển nó. Không ai có thể nói: “Hãy đọc lịch sử của chúng
tôi trong sách”. Bởi vì chưa ai viết những quyển sách ấy, chúng
không tồn tại. Lịch sử không tồn tại ngoài những gì họ có thể kể
bây giờ và ở đây. Thể loại ở châu Âu gọi là lịch sử khách quan và
mang tính khoa học sẽ không bao giờ hình thành ở đây, vì lịch
sử châu Phi không có tư liệu và ghi chép, từng thế hệ, khi nghe
phiên bản được truyền cho mình, lại thay đổi và tiếp tục thay
đổi nó, làm biến dạng, sửa sang, tô màu cho nó. Nhưng nhờ đó,
khi thoát khỏi sức nặng của thư khố, thoát khỏi sự hà khắc của
dữ liệu và ngày tháng - lịch sử đạt đến hình thức trong suốt,
tinh khiết nhất của mình: hình thức của huyền thoại.
Trong các huyền thoại này, chỗ của ngày tháng và thước đo
thời gian cơ học - những ngày, tháng, năm - được thay thế bằng
các chỉ định khác, như “thời xưa”, “xưa lắm”, “xưa đến nỗi chẳng
ai còn nhớ”. Người ta có thể đặt tất cả mọi thứ vào trong khuôn
khổ các từ này và sắp xếp chúng theo trật tự thời gian, nhưng
thời gian này không tiến triển theo tuyến tính mà mang hình
thức của chuyển động xoay tròn đều, như trái đất của chúng ta.
Trong ý niệm thời gian này, khái niệm phát triển không tồn tại,
thay vào đó là khái niệm kéo dài. Châu Phi là sự kéo dài vĩnh
cửu.
Đã khuya, mọi người tản về nhà. Bắt đầu vào đêm, mà đêm
thì thuộc về ma quỷ. Ví dụ, các phù thủy tụ tập ở đâu? Ai cũng
biết chúng hội họp trên các cành cây, giấu mình chìm sâu trong
vòm lá. Tốt hơn là không làm phiền chúng, tránh xa các gốc cây
ra, chúng rất ghét bị nhìn lén và nghe trộm. Chúng có thể trả
thù và hành hạ ta, truyền bệnh tật, gây ra nỗi đau, gieo rắc cái
chết.