Bóng râm và nước - hai thứ chất lỏng, bất định, xuất hiện rồi
sau đó biến mất, chẳng rõ đi đâu.
Có hai kiểu sống, hai tình trạng: bất cứ ai lần đầu tiên ở trong
một siêu thị Mỹ, trong một cái mall khổng lồ vô tận ấy, sẽ ngợp
vì sự phong phú và đa dạng của các loại hàng hóa tập hợp lại đó,
vì sự hiện hữu của đủ loại đồ vật mà con người đã có thể phát
minh và tạo ra, rồi sau đó chở đến, chứa vào và xếp lên, khiến
cho khách hàng không cần phải suy nghĩ gì hết - người ta đã
nghĩ trước thay anh ta để giờ đây, anh ta có tất cả mọi thứ sẵn
sàng trong tầm tay.
Thế giới của một người châu Phi bình thường thì khác, đó là
thế giới nghèo nàn, đơn giản nhất, sơ đẳng, rút gọn lại chỉ còn
vài đồ vật: cái áo, cái chậu, nắm ngũ cốc, ngụm nước. Sự phong
phú và đa dạng của nó không biểu hiện dưới hình thức vật chất,
cụ thể, nhìn thấy và sờ mó được, mà trong các giá trị, ý nghĩa
tượng trưng mà anh ta dành cho các đồ vật tầm thường nhất,
những giá trị và ý nghĩa khó nhận thấy đối với người không
thành thạo chính vì sự tầm thường này. Do đó, sợi lông gà trống
có thể được coi là đèn pin soi đường trong bóng tối, còn giọt dầu
ô liu là cái khiên chắn đạn. Đồ vật mang sức nặng tượng trưng,
siêu hình, bởi con người đã quyết định như thế, thông qua lựa
chọn của mình, anh ta nâng nó lên, chuyển nó sang chiều kích
khác, lên tầng cao hơn của sự tồn tại - đến siêu nghiệm.
Có lần, ở Congo, tôi được phép biết một bí mật: được cho xem
trường dạy vào đời của các chàng trai. Sau khi học xong trường
này, họ sẽ trở thành những người đàn ông trưởng thành, có
quyền biểu quyết trong các cuộc họp của bộ lạc, có thể lập gia
đình. Một người châu Âu đến thăm cái trường tối quan trọng
trong cuộc đời người châu Phi này sẽ sửng sốt và dụi mắt vì
ngạc nhiên: Thế này là sao? Ở đây không có gì hết! Không có