ghế, không có bảng! Mấy bụi cây đầy gai, một túm cỏ khô, thay
vì sàn nhà là cát xám như tro. Đây mà là trường sao? Vậy mà
thanh niên ở đây lại tự hào và xúc động vì nó. Họ rất vinh dự khi
đến trường. Bởi vì ở đây, mọi thứ dựa trên một khế ước xã hội
rất được tôn trọng, dựa trên sự tin tưởng sâu sắc: vì truyền
thống công nhận nơi các chàng trai này đến là trường của bộ lạc
dạy họ vào đời, nên nó có vị thế ưu tiên, đặc biệt, thậm chí
thiêng liêng. Một vật chẳng đâu vào đâu trở thành điều gì đó
quan trọng vì chúng ta đã quyết định như thế. Trí tưởng tượng
của chúng ta đã bôi thơm và tán dương nó.
Chiếc đĩa hát của Leshina có thể là một ví dụ tốt của sự thần
thánh hóa này. Leshina là một phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi,
sống ở Zambia. Bà buôn bán trên các đường phố của thị trấn
Serenge. Bà không có gì nổi bật. Thời đó là những năm sáu mươi
và ở nhiều nơi trên thế giới vẫn còn thấy máy quay đĩa. Leshina
có một cái máy như thế và một đĩa hát đã xước, hỏng. Đĩa ghi
âm bài phát biểu của Churchill năm 1940, khi ông kêu gọi người
Anh hãy hy sinh trong thời chiến. Leshina đặt máy quay đĩa
ngoài sân và mở đĩa. Từ cái loa kim loại sơn màu xanh phát ra
tiếng khàn khàn ùng ục, trầm và nhấm nhẳng, từ đó nổi lên âm
vang của một giọng lâm ly thống thiết, song không thể hiểu
được và chẳng có nghĩa gì. Leshina giải thích cho những người
xem tò mò kéo đến càng lúc càng đông rằng đó là lời Chúa
phong bà làm sứ giả và lệnh cho mọi người phải tuyệt đối vâng
lời. Người ta kéo đến nhà bà nườm nượp, ngày một đông hơn.
Các tín đồ của bà, phần lớn là người nghèo không xu dính túi,
bằng nỗ lực siêu phàm đã xây cho bà một đền thờ giữa rừng và
bắt đầu cầu nguyện ở đó. Mở đầu mỗi buổi lễ thánh, giọng nam
trầm ầm oàng của Churchill đưa họ vào cảnh giới xuất thần
nhập định. Nhưng các lãnh đạo châu Phi xấu hổ vì những thứ
thờ cúng kiểu này, và tổng thống Kenneth Kaunda cho quân đội