ngưỡng, tâm linh của người châu Phi thì sao? Các ngôn ngữ
châu Âu đều phong phú, nhưng là phong phú để miêu tả nền
văn hóa của mình, để biểu đạt thế giới của mình. Khi cố gắng
bước vào địa hạt của nền văn hóa khác và miêu tả nó, ngôn ngữ
châu Âu liền lộ ra sự hạn chế, kém phát triển, sự bất lực về ngữ
nghĩa.
Châu Phi là hàng nghìn tình huống khác nhau nhất, riêng
biệt nhất, trái ngược nhất. Ai đó nói: “Ở đó đang là chiến tranh”.
Anh ta có lý. Người khác nói: “Ở đó bình yên”. Và anh ta cũng có
lý. Bởi vì tất cả phụ thuộc vào đó là nơi nào và ở đâu.
Trong thời tiền thực dân - nghĩa là chưa lâu lắm - ở châu Phi
có hơn mười nghìn nước nhỏ, vương quốc, liên hiệp dân tộc và
liên bang. Roland Oliver, nhà sử học của Đại học London, trong
cuốn sách The African Experience
(New York 1991) đã lưu ý
về một nghịch lý phổ biến: người ta đã quen với cách nói rằng
các thực dân châu Âu đã phân chia châu Phi. “Phân chia ư?”
Oliver ngạc nhiên. Đó là cuộc thống nhất hung tàn, bị đem tới
bằng máu lửa binh đao! Con số mười nghìn đã bị rút xuống còn
năm mươi.
Nhưng nhiều điều còn sót lại từ sự đa dạng này, từ bức tranh
ghép từ sỏi, xương, ốc, những mẩu gỗ, mảnh tôn và lá cây này.
Càng ngắm kỹ bức tranh ấy, ta càng thấy các mảnh ghép thay
đổi vị trí, hình dạng và màu sắc trước mắt chúng ta, tạo nên
một cảnh tượng khiến người ta choáng váng vì sự biến hóa,
phong nhiêu và rộn ràng màu sắc của nó.
Cách đây mấy năm, tôi dự lễ Giáng sinh với bạn bè ở công
viên Quốc gia Mikumi, sâu trong nội địa Tanzania. Một buổi tối
ấm áp, đẹp trời, lặng gió. Trong khoảng rừng thưa, vài chiếc bàn
đặt giữa trời. Trên bàn là cá rán, cơm, cà chua, bia pombe đặc sản
địa phương. Nến, đèn lồng và đèn dầu được thắp lên. Không khí