thang cả tuần đến các cơ quan hay gặp những người nổi tiếng.
Lần này cũng vậy.
Trong căn phòng nhỏ tồi tàn, nơi mùi xoài chín hòa quyện
một cách kỳ cục với mùi mực in, tôi được một người béo tốt, vui
vẻ - Kwesi Amu - chào đón nhiệt tình, cứ như anh đã đợi chuyến
viếng thăm này không biết từ bao giờ.
- Tôi cũng là phóng viên!” - Anh tự giới thiệu.
Diễn biến và không khí của việc chào hỏi có ý nghĩa quyết
định cho số phận tiếp theo của mối quan hệ, vì thế ở đây người
ta rất xem trọng cách thức chào hỏi. Quan trọng nhất là ngay từ
đầu, từ những giây đầu tiên, phải bày tỏ sự thân mật và niềm
vui dạt dào, to lớn. Vậy là trước tiên chúng ta bắt tay. Nhưng
không phải bắt một cách hình thức, dè dặt, hờ hững, mà ngược
lại - bằng một động tác mạnh mẽ, đầy sinh khí, tựa như không
phải ta muốn bắt tay người kia một cách nhẹ nhàng, mà là giật
tay anh ta ra. Nếu anh ta giữ cả bàn tay lại nguyên chỗ cũ thì đó
là bởi vì, biết cái lệ và phép tắc chào hỏi, anh ta cũng dồn sức
làm một động tác mạnh mẽ, hướng bàn tay gấp gáp của mình
đến bàn tay gấp gáp của chúng ta. Hai bàn tay được truyền một
lực khủng khiếp giờ đây gặp nhau ở nửa đường và đập vào nhau
một cú kinh hoàng, chúng giảm bớt, thậm chí là đưa về không
hai lực đối nhau. Đồng thời, trong khi tay chúng ta lao thẳng
vào nhau, ta trút ra tràng cười dài và lớn. Nó biểu thị rằng ta vui
mừng vì cuộc gặp và có thiện ý đối với người kia.
Bây giờ đến một danh sách dài các câu thăm hỏi kiểu: “Anh
thế nào? Anh khỏe không? Gia đình anh thế nào? Mọi người đều
khỏe cả chứ? Thế ông anh thì sao? Thế còn bà? Còn dì? Còn bác?”
- vân vân và vân vân, vì ở đây gia đình rất đông và nhiều dây mơ
rễ má. Theo lệ, mỗi câu trả lời tích cực phải được xác nhận bằng