cả gia đình chen chúc, ngồi lên lòng nhau, lên đầu lên cổ nhau:
mươi mười lăm người. Họ dừng xe bên bờ biển dốc. Vào giờ ấy
thủy triều đánh vào bờ những con sóng lớn ầm ào. Họ mở cửa sổ
xe. Họ hít thở mùi biển. Họ hóng gió. Phía bên kia vùng nước
mênh mông này là đất nước họ, nơi nhiều khi thậm chí họ cũng
chẳng biết đến - Ấn Độ. Họ ở đó mươi mười lăm phút, có thể nửa
giờ. Sau đó đoàn xe chen chúc nhau dời bánh và bờ biển lại trở
nên vắng vẻ.
Càng xa biển thì càng nóng nực, khô hạn và bụi bặm. Chính là
ở đó, trên cát, trên mặt đất trơ trụi cằn cỗi là những căn nhà đất
của khu người Phi. Các phần của nó mang tên những làng nô lệ
của vua Zanzibar: Kariakoo, Hala, Magomeni, Kinondoni. Các
cái tên khác nhau, nhưng tình trạng của những căn nhà đất này
đều tồi tàn như nhau, còn cuộc sống các chủ nhân của chúng thì
bần hàn, không có cơ hội khá lên.
Với những người dân của khu này thì tự do nghĩa là họ có thể
đi lại thoải mái trên các đường phố chính của thành phố khoảng
một trăm nghìn dân này, thậm chí đi liều vào khu Người Da
Trắng. Thực ra điều này chưa bao giờ bị cấm, vì một người Phi
luôn luôn có thể xuất hiện ở đó, nhưng anh ta phải có mục đích
cụ thể, rõ ràng: anh ta phải đi làm hoặc về nhà từ nơi làm việc.
Con mắt cảnh sát dễ dàng phân biệt dáng đi của người vội vã đi
công chuyện với dáng đi của một kẻ đáng ngờ đi lung tung vô
định. Mỗi người ở đây, tùy theo màu da, đều có vai trò được
phân sẵn và nơi chốn ấn định.
Những người viết về apartheid nhấn mạnh rằng đó là một hệ
thống được phát minh và thi hành ở Nam Phi, đất nước do
những kẻ phân biệt chủng tộc người da trắng cai trị. Nhưng giờ
đây tôi thấy rằng apartheid là hiện tượng phổ biến và rộng rãi
hơn nhiều. Những người chỉ trích nó nói rằng đây là hệ thống