hải cảng, thành phố và thuộc địa dọc theo bờ biển, nhưng phần
còn lại, cả một phần mênh mông chưa được biết đến, có nghĩa là
99% diện tích châu lục này, là một vùng trống, gần như nguyên
sơ, chỉ được đánh dấu thi thoảng ở đâu đó.
Người Âu bám lấy các bờ biển, hải cảng, nhà ăn và tàu thuyền
của mình, miễn cưỡng và rất hiếm khi xâm nhập vào sâu trong
lục địa. Vì không có đường đi, họ sợ những bộ lạc thù địch và
những căn bệnh nhiệt đới - sốt rét, bệnh buồn ngủ, sốt vàng,
bệnh phong. Và mặc dù sống bên bờ biển hơn bốn thế kỷ, tinh
thần thiển cận, tư tưởng chật hẹp ăn xổi ở thì vẫn luôn luôn ngự
trị trong họ. Hậu quả là các hải cảng của họ chỉ là những con đỉa
bám vào cơ thể châu Phi, là những điểm xuất khẩu nô lệ, vàng
và ngà voi. Làm sao để mang ra tất cả, với chi phí thấp nhất. Vì
thế mà nhiều điểm đổ bộ Âu châu này trông giống như những
khu tồi tàn nhất của Liverpool cổ hay Lisbon. Ở Luanda, vốn
thuộc Bồ Đào Nha, suốt bốn trăm năm người Bồ không đào một
cái giếng nước ăn nào, cũng không thắp đèn lồng chiếu sáng
đường phố.
Việc xây dựng tuyến đường sắt đến Kampala là biểu tượng
của cách nghĩ mới, mang tính chất “ông chủ” hơn ở các mẫu
quốc thực dân. Đặc biệt là ở London và Paris. Giờ đây, khi châu
Phi đã được phân chia giữa các nước châu Âu, họ có thể bình
tĩnh đầu tư vào các phần thuộc địa của mình, nơi đất đai trù
phú và phì nhiêu hứa hẹn những nguồn lợi khổng lồ từ các đồn
điền cà phê, chè, bông, dứa hoặc - ở các nơi khác - từ các mỏ kim
cương, vàng hay đồng. Nhưng không có phương tiện vận
chuyển. Cách thức xưa cũ - những người cửu vạn khuân tất cả
mọi thứ trên đầu - đã không còn đủ nữa. Phải làm đường, tuyến
đường sắt và cầu. Đúng vậy, nhưng ai sẽ làm việc đó? Các công
nhân da trắng không được đưa đến: người da trắng là ông chủ,
anh ta không thể lao động chân tay. Ngay từ đầu đã không thể