[2] Loại chiếu dùng để trải sàn nhà trong những ngôi nhà Nhật Bản kiểu
truyền thống.
Một lúc lâu mới nghe tiếng chân bước từ bên trong, rồi tấm cửa trượt ám
khói mở ra. Một bà cụ bước ra ngoài.
Tôi đã đoán là thế nào cũng có người xuất hiện. Vì lửa vẫn đang cháy trong
lò. Tiền thì vung vãi trên hộp kẹo. Còn nhang thì vẫn điềm nhiên tỏa khói.
Chắc chắn là thế nào cũng phải có người. Nhưng cái kiểu bỏ quán thoải mái
thế này thì hơi khác với cuộc sống ở thành thị. Và tuy gọi không có ai trả
lời, nhưng cái kiểu tự ý vào nhà ngồi đợi cũng là chuyện khó chấp nhận ở
thế kỷ hai mươi. Ðây quả là một nơi thú vị, và là nơi không vướng bận đời
thường. Hơn nữa, vẻ mặt bà cụ vừa xuất hiện cũng làm tôi thích thú.
Cách đây hai, ba năm tôi có xem vở kịch No có tựa là Takasago, thuộc
trường phái Hosho. Khi đó tôi rất ấn tượng với những hoạt cảnh đẹp của vở
này. Một ông cụ vác cây chổi đi năm sáu bước trên chiếc cầu dẫn ra sân
khấu, và chậm rãi quay về phía sau giáp mặt với bà cụ. Ðến bây giờ tôi vẫn
còn nhớ rõ cảnh hai nhân vật đối diện nhau. Vì từ chỗ tôi ngồi có thể nhìn
thẳng gương mặt bà cụ, nên khi tôi chợt nhận ra “ồ, đẹp quá!”, thì từ
khoảnh khắc ấy hình ảnh bà đã in vào trong tôi như một bức ảnh được thấu
kính tâm hồn ghi lại. Bà cụ ở quán trà có gương mặt giống hệt gương mặt
của bà cụ trong vở kịch No dạo ấy, như thể cả hai đều có cùng một dòng
máu chảy bên trong.
- Chào cụ, cháu xin ngồi tạm ở đây một lát.
- Vâng. Tôi không biết là có khách đến.
- Mưa lớn quá cụ nhỉ.
- Thời tiết xấu thế này, chắc là anh đi đường vất vả? Ôi, anh bị ướt hết rồi!