này. Tóm lại, một khi thơ ca đã thể hiện được điều đó thì có thể xem là
thành công, cho dù không theo nguyên lý của Lessing đi chăng nữa. Và
cũng không cần biết đến Homer hay Virgil[8]. Tôi cho rằng nếu quan niệm
thơ là sự diễn đạt ứng với một kiểu tâm trạng nào đó, thì dẫu tâm trạng ấy
không cần đến một nội dung phát triển tuần tự trong giới hạn của thời gian,
mà chỉ cần đơn giản là thỏa mãn điều kiện về không gian trong hội họa thì
cũng có thể dùng ngôn ngữ thơ ca để mà diễn đạt.
[7] Gotthold Ephraim Lessing (1729 - 1781) là nhà thơ, nhà phê bình văn
học người Ðức.
[8] Virgil (70 BC - 19 BC) là một nhà thơ sống vào thời La Mã cổ đại.
Homer (không rõ năm sinh và năm mất) là nhà thơ Hy Lạp cổ đại, tác giả
của trường ca Iliad và Odyssey.
Lý luận thì thế nào cũng được. Tôi hầu như không còn nhớ đến những tác
phẩm như Laocoon[9], nên nếu cứ soi xét kỹ thì chỉ càng thêm rối. Dù sao,
nếu không vẽ tranh được thì hãy thử làm thơ. Tôi nghĩ vậy và chấm bút chì
xuống trang sổ phác họa, lắc lư thân mình để tìm một sự thay đổi nào đó,
nhưng chẳng có gì. Một lúc lâu vẫn không có ý tưởng nào dịch chuyển
được đầu ngọn bút. Như thể bỗng nhiên tôi quên mất tên của một người
bạn. Có cảm giác như đã gần nhớ ra được nhưng vẫn không thể nào nhớ
nổi. Rồi nếu tôi chán nản mà bỏ cuộc thì cái tên chợt bị quên kia sẽ trôi mãi
vào miền quên lãng.
[9] Tác phẩm lý luận của Lessing về thơ ca và hội họa.
Khi khuấy bột làm bánh kuzuyu, lúc đầu thì bột còn rời rạc chưa dính đũa.
Nhưng nếu kiên nhẫn khuấy tiếp thì bột sẽ kết dính, tay cầm đũa cũng có
cảm giác nặng dần. Và nếu cứ khuấy mãi không nghỉ tay thì sẽ đến lúc lại
không khuấy nổi. Rồi cuối cùng thì bột ở trong nồi cứ tự dính vào đũa mà
không cần phải khuấy. Làm thơ thực ra cũng giống hệt như vậy.