ngạc nhiên đưa mắt nhìn Liên nửa tin nửa ngờ. Liên quay sang tôi ấp úng:
- Chị đừng tin thằng ác ôn đó.
- Ai không tin thì cứ xuống nhà dưới lắng nghe thì biết.
Tôi bưng bát cơm lên để giấu một nụ cười. Chắc có ai dưới nhà đang coi
mắt Liên chứ gì? Bắt gặp nụ cười của tôi, Liên đâm lúng túng đứng dậy -
Minh la lên:
- Đừng có nôn, ăn xong cơm rồi hãy xuống dưới nhà, chị Liên. May ra,
hôm nay không ai tranh trứng cả, chớ mọi bữa …
Liên thẹn quá hóa khùng, nó đuổi Minh chạy khắp gác. Căn gác kêu lên
như muốn sập.
- Đứa nào chạy rầm rập trên gác vậy Liên.
Liên làm thinh. Tôi mắng át Minh và bảo Liên đưa mâm cơm xuống nhà
bếp – Thằng Minh cũng lò dò theo sau – Còn lại một mình tôi đến cửa sổ
hé một cánh nhìn ra ngoài. Trời đã tối. Những tàn cây trứng cá cũng chìm
lẫn trong bóng đêm. Dưới nhà có tiếng chào nhau ròn rã của khách và của
ba má tôi. Và chỉ một chốc tôi đã thấy bóng hai người khách chở nhau trên
xe Vespa rồ máy ra khỏi hẻm.
Khung cảnh bắt đầu lặng im. Trời đổ mưa trở lại, tôi thấy những giọt nước
mỏng mảnh lấp lánh trong vùng sáng của đèn đường. Cuộc đời mình rồi
cũng sẽ đi đến đâu nhỉ. Mong manh và phù du như những giọt như những
giọt nước mưa kia. Lạnh lẽo và không một hứng khởi. Tôi đưa tay rờ mắt
và mũi. Chiếc mũi nhỏ, sống mũi thiếu bề cao tạo cho tôi một cảm giác trẹt
dẹp – Tôi nhớ lại câu phê bình của tên thanh niên trong rạp xi nê. Tôi mỉm
cười một mình và không biết tại sao tôi lại mỉm cười. Câu nói vọng âm trở
lại không gây cho tôi một sự xấu hổ bỏng rát mặt mày như hồi chiều.
Nhưng suốt từ chiều đến bây giờ lòng tôi đã đổi khác. Tôi ý thức được một
điều xót xa, mà từ lâu tôi không biết hay là tôi cố ý lấp liếm bằng sự vô tư,
thanh thản của tuổi học trò. Đến nay tuổi học trò còn đó nhưng tôi đã lớn
hơn, đã biết ước mơ, đã biết mơ mộng , và cùng lúc mình tự biết mình đang
giữ trong người một hình thức bất hạnh của nữ giới. Sự từ chối của người
thanh niên hồi chiều đã làm tôi giải đáp được bao thắc mắc của suốt mấy
tháng nay là tại sao có nhiều đứa trạc bằng hoặc ít tuổi hơn tôi đã có bao