Mấy anh chàng con trai Phan Chu Trinh vì xa nhà và ké văn nghệ nhờ nên
nín im nhìn nhau lừ mắt chớ không dám nói.
Những buổi tập dượt vui như một đám hội – Nhưng càng gần ngày trình
diễn tôi càng run. Năm nào thì cũng lên sân khấu, nhưng chỉ hợp ca thôi.
Năm nay tôi có màn đơn ca và hơn thế nữa, buổi trình diễn tất niên năm
nay lại có bán vé nghĩa là bàn dân thiên hạ ai cũng có thể vào xem hết. Hát
mà dở thì eo ơi – Nói như cô Mỹ nói là nhục mạ cái danh của trường nhà
đi.
Lật bật cũng đến ngày 28 Tết. Ngay từ chiều, tôi đã lo sửa soạn xuống
trường. Liên dúi cho tôi một trái chanh Đà Lạt mọng nước và mấy múi cam
thảo.
Tôi để lại mấy vé mời để ba và các em đi xem.
Tâm mượn đâu được chiếc Honda chở tôi xuống trường. Trường còn vắng.
Tôi thấy cô Mỹ đi qua đi lại trước phòng khánh tiết. Mai nó cũng đến từ lúc
nào tay xách một túi lớn. Tâm chỉ cái bọc hỏi:
- Gì đây Mai, làm như chạy loạn.
- Bọc quần áo và son phấn cho ban vũ.
- Năm nay ai trang điểm cho tụi bay?
- Cũng con Oanh, nhà con nhỏ đó mở Mỹ viện nên nó trang điểm tài lắm.
Tiếng cô Mỹ léo nhéo ở phòng khánh tiết:
- Thôi dượt lại lần chót đi mấy em.
Chúng tôi kéo nhau vào. Sân khấu đã sẵn sàng. Đó là công lao của nam
sinh Phan Chu Trinh làm suốt từ sáng. Những hình người cười khóc và
những nốt nhạc bay bướm cắt bằng giấy bạc đủ màu rực rỡ trên màn nhung
màu đỏ thẫm.
Nhìn hai dãy ghế kéo dài ngút mắt đến tận cùng của phòng khánh tiết, tôi
hỏi cô Mỹ:
- Thưa cô, liệu khán giả có đông không mà có nhiều dữ vậy?
Cô Mỹ cười:
- Hết vé rồi đó. Tối nay đông lắm, ráng mà hát đó mấy em, để lấy danh dự
cho trường.
Mai xen vào: