- Cô nhớ để em hát hợp ca trước rồi mới ngâm thơ sau nghe cô. Đứng một
mình mà ra đầu tiên khớp không làm chi được hết.
Cô Mỹ gật đầu:
- Thì ban chương trình cũng để ý nên mới có màn Trường Ca Mẹ Việt Nam
trước đó. Thôi muộn rồi mình dượt trước để còn chừa sân khấu cho nam
sinh họ làm hoạt cảnh.
Chúng tôi dượt đi dượt lại đến 5 giờ chiều thì nghỉ để lại sức. Tôi rủ Mai và
Tâm ra hàng nước sau trường ngồi ngắm thiên hạ đi bát Tết và uống nước
giải lao. Mấy tép chanh của Liên được tôi và Mai dùng triệt để. Chúng tôi
bàn về buổi tối trình diễn, về tài nghệ của của bọn nam sinh bên Phan Chu
Trinh. Mai nói:
- Tối này tao run lắm mày ơi. Ông anh tao dẫn cho một lô bạn đi coi. Tao
nhất định không cho vé, thế mà ổng làm cách nào đào ra được đến năm sáu
vé hạng chót.
Tâm cười:
- Anh Hải là vua tiếu lâm. Đi lính đánh giặc mòn giầy mà vẫn tiếu.
Tôi chưa bao giờ biết mặt anh của Mai cả mặc dù đôi lúc nghe tiếng ông ấy
oang oang trong nhà trong, và như vậy thì đâu có đáng lo, đáng sợ. Tôi
cười:
- Mai mà hát ệch oạc thì phải biết, mấy ổng dám ném cà chua lên sân khấu
lắm.
- Mai về xúi me cắt tai ảnh đó chớ. Đến phiên Mai hát là phải vỗ tay, biss
cho thật kêu.
Tâm cười trêu:
- Hát dở thay vì biss ổng lại la lên bịt bịt thì hết thuốc chữa.
Mai ngồi nhăn mặt lo ra. Nhưng chỉ một chốc là quên ngay. Cả bài vở thi
cử cũng nằm ở đâu xa. Mai khoe mới may một cái áo dài vàng thật đẹp. Tôi
nhớ lại tấm áo tết màu tím than buồn bã của tôi. Màu áo lựa đã làm tôi bị
mắng một buổi. Mấy đứa em trai bảo tôi muốn giống cô gái Huế áo tím nón
bài thơ chèo đò trên sông Hương. Tôi bật cười khi nhớ tới nét mặt của
Trung lúc tôi đem áo về nhà.
- Cái gì mà mày cười vậy Mỵ. Áo tết của mày màu gì. Tao nhớ mày khoái