nhưng ly nước càng làm tôi đau đớn. Tôi có xứng đáng với những sự săn
sóc đặc biệt của ba má không? Tôi có xứng đáng với lòng tin cậy của
người?
Tôi nhìn ly nước. Mặt ngoài ly hơi lạnh bốc ra đọng thành những hạt nước
linh động ngoằn ngoèo. Tôi liên tưởng đến những giọt nước mắt và thấy
mình muốn khóc.
Lãm đã rút xuống nhà. Để cho chị Mỵ học bài thi, đừng làm ồn. Lời dặn dò
của Liên văng vẳng từ bếp. Đáng lẽ tôi phải làm bếp buổi chiều, nhưng
Liên đã cáng đáng giúp tôi tất cả. Tôi ôm gối ngồi nghe buổi chiều đang
xuống … Ly nước vàng còn đầy nguyên vẹn. Trên căn gác, một mình, tôi
nghe mình chơ vơ trong nỗi khổ và lo lắng âm thầm.
Tôi không chịu nổi nỗi trống vắng, dằn vặt mình. Tôi leo xuống gác vào
bếp. Thôi mặc bài vở. Những cố gắng đã trôi tuột và thất vọng này tiếp đến
thất vọng khác. Tôi là người con gái bất hạnh. Thôi bỏ mặc chữ nghĩa.
Giúp em, giúp mẹ có ích hơn nhiều. Với ý nghĩ nông cạn của mình, tôi vào
bếp, dành lấy rổ rau trên tay Liên, đứng chờ nồi nước sôi và nhìn ngọn lửa
đỏ đang đốt cháy từng mảnh củi hồng.
***
Khổ đau và tuyệt vọng tự nó chưa hẳn là vết thương lở lói thịt da. Nhưng
nếu cả hai mà kết hợp lại đúng lúc thì sức tàn phá thật không ngờ.
- Chị Mỵ, chị giữ nhà cho em đi chơi một tị nghe.
Tôi gật đầu. Minh và Lãm nhảy như sáo ra khỏi nhà. Nắng vẫn còn hanh
đến cháy da. Tôi nói vọng theo nhưng không chờ đợi sự đáp ứng:
- Minh, Lãm, lấy mũ đội đầu rồi hãy đi. Về đau má la chết.
Minh, Lãm khuất sau cánh cửa xanh. Tôi đọc sơ sịa mấy tựa tin tức đáng
chú ý rồi lần vào trang trong xem tiểu thuyết. Một cột chữ nhỏ ở trang Văn
Học Nghệ Thuật đập vào mắt tôi. “Tuần lễ triễn lãm tranh nghệ thuật do hội
Văn Hóa Đà Nẵng tổ chức từ 18 đến 25 tháng 8 …”
Tôi nhìn lịch, hôm nay mới 23. Tại sao mình lại không đi xem triển lãm để
đầu óc đỡ căng thẳng, buồn phiền nhỉ. Ngày trước tôi đã có học vẽ hàm thụ
một năm. Nhưng sau đó, phải bỏ dở vì học phí tăng gấp đôi. Hội họa là một
bộ môn nghệ thuật mà tôi thích nhất, hơn cả ca hát nữa. Ngắm một bức