Dụng là bạn học của anh Văn tôi. Tôi biết anh có vài lần khi mấy anh họp
nhau lại đi chơi và chổ hẹn là nhà tôi. Sau này, nghe đâu anh Văn nói Dụng
thi đậu vào Y Khoa ở Huế.
Ba bốn năm rồi, giờ mới gặp lại. Tôi bỡ ngỡ trách:
- Gớm, anh làm Mỵ thất kinh luôn. Tưởng ai.
Dụng cười:
- Lâu quá mới gặp lại Mỵ. Thế nào hai bác có khỏe không? Hôm qua anh
có đến chơi với anh Văn đó.
Mấy người xem tranh đứng gần đó nhìn chúng tôi. Anh Dụng bảo nhỏ:
- Thôi, Mỵ xem tranh đi rồi ra ngoài nói chuyện. Ở đây không phải nơi …
Đầu này có một loại tranh thủy mạc và sơn thủy cổ đẹp lắm. Tranh quý họ
để vào tận bên trong này.
Anh Dụng nắm tay tôi kéo nhẹ vào. Sự đụng chạm nhẹ nhàng đó làm tôi
suýt la lên. Mặt tôi đỏ ửng, lòng tôi bối rối không tả được. Tôi cố rút tay ra
một cách tự nhiên. Hình như anh Dụng cũng thấy được điều này. Anh thả
tay tôi ra và liền miệng giảng giải về nghệ thuật cổ họa nổi tiếng này của
Trung Hoa.
- Tranh Sơn Thủy thường cốt ý trình bày những cảnh rộng lớn có 3 chiều
dài rộng và cao. Do đó Mỵ thấy các bức họa Sơn thủy cứ cao lên mãi, ra xa
mãi. Người xem tranh được thỏa mãn theo cảnh vật đến cùng cực.
Tôi hỏi:
- Thường, thì Mỵ thấy tranh sơn thủy, thường vẽ màu, sao đây lại có những
bức vẽ bằng mực tàu thôi.
Anh Dụng cười. Giọng nói và lối giảng giải của anh làm tôi ngạc nhiều về
kiến thức hội họa của anh.
- Ngày xưa đa số họa sĩ đều dùng màu đen của mực tàu thôi. Chỉ có Lý
Chiêu Đạo là một trong những họa sĩ hiếm hoi dùng màu sắc. Sau này,
người ta mới dùng màu nhiều. Một phần là để diễn tả dễ dàng thời khí của
bốn mùa.
Nhưng thật tình thì các họa sĩ Trung hoa chuyên về tranh sơn thủy không
nhằm trình bày cái đẹp, không riêng biệt chú trọng vào đường nét màu sắc
chuyển biến của sự vật để làm biểu tượng cho tư tưởng hoặc hoài vọng cá