nhớ năm rồi Thu Tâm được phần thưởng ưu hạng đó không?
Mấy đứa nhìn nhau bâng khuâng. Tự trong tôi, tôi cũng thấy điều đó không
đáng trách – không có gì đáng trách hết.
- Nhưng, nếu có người yêu cũng không nên đưa đón ngoài đường như vậy.
Thiếu gì cách mời về nhà nói chuyện đàng hoàng.
- Thôi kệ nó, nói chuyện khác đi. Hơi đâu mà bàn chuyện thiên hạ. Tụi bay
không hỏi ôn bài nhau, tí nữa bà Mỹ khảo Vạn Vật là chết đó.
Chúng tôi quên ngay câu chuyện vừa rồi, ôn tập, hạch sách nhau bài vở,
đến khi tiếng chuông báo giờ ra chơi đã hết.
Hàng ngàn tà áo trắng bay bay khắp sân nắng đã tụ họp thành hàng lối
chỉnh tề. Những tiếng xôn xao đã bớt nhưng dứt hẳn thì không.
Chả mấy chốc sân trường vắng vẻ. Chỉ còn nắng tràn lan qua những cành lá
xanh tươi trong sân trường rộng mát.
Buổi trưa – Từ lớp học bước ra, nắng chói chang đến nhức mắt. Mấy cây
sầu đông tròn quả đong đưa cũng không ngăn che được ánh sáng mặt trời.
Tôi đội vội cái nón lên đầu cố bước mau về nhà. Con dốc cao độc nhất
trong thị xã phơi trần trong cái nắng gay gắt giữa trưa. Tôi đi như chạy cố
vượt sức nặng của đôi chân để leo lên dốc. Lên đỉnh dốc, tôi ngưng lại một
chút để nhìn xuống những người đi nhỏ li ti và con đường xe lửa ngoằn
ngoèo khuất dạng sau những dãy nhà tranh lụp xụp phía dưới. Tôi chợt dụi
mắt vì tưởng mình nhìn lầm. Nhưng không, lại Thu Tâm và bồ nó.
Lần nầy tôi mỉm cười. Nhưng đồng lúc tôi thấy mình thua thiệt. Cái hạnh
phúc dịu dàng của tuổi mới lớn tôi vẫn chưa được hưởng nhận. Từ trên cao,
tôi cũng nhận rõ được sự sung sướng bao trùm Thu Tâm. Đến ngày nào tôi
mới nếm được niềm vui ấy. – Nó như thế nào – Nó êm ái ra sao – Nó đầy
vẻ an ủi hay đau khổ.
Về đến nhà, xong bữa cơm trưa, tôi lên gác vào phòng mình. Bên kia lũ em
trở mình ràn rạc trên nền ván.
Hôm nay là chiều thứ bảy, thiên hạ đợi nắng dịu một chút là ra đường ăn
diện lộng lẫy. Nhưng tôi thì chưa bao giờ dám bước chân ra phố với mục
đích dạo qua, dạo lại. Cái thị xã phồn thịnh nầy thích hợp với mấy cô gái đi
làm hơn là lũ học trò áo trắng chúng tôi.