Việc đó xảy ra giữa lúc bản thân chúng tôi cũng đang bị lao đao, và mãi
đến khi dọn về nhà mới, chúng tôi mới có thì giờ để thắc mắc về những việc
mà đức Giám mục đã làm. Rồi mọi việc bỗng nhiên sáng tỏ. Một hôm, vào
lúc sâm sẩm tối, tôi chạy qua phố để đến hiệu thịt mua sườn về làm cơm
chiều cho Ernest. Trong hoàn cảnh mới của chúng tôi, chúng tôi gọi bữa ăn
cuối cùng trong ngày là "bữa cơm chiều".
Vừa lúc tôi ở hiệu thịt ra, một người ở cửa hàng thực phẩm đằng góc
phố cũng đi ra. Một cảm giác quen thuộc rất kì lạ khiến tôi nhìn lại một lượt
nữa, nhưng người đó đã rẽ sang phố khác và đi rất gấp. Tôi thoáng thấy trên
đôi vai xuôi và mớ tóc bạc giữa khoảng vành mũ và cổ áo của người đó một
cái gì đó gợi lại cho tôi những kí ức mơ hồ. Tôi rảo bước, cố dẹp những ý
nghĩ đang thành hình trong óc tôi. Không, không có lí nào. Đức Giám mục
đời nào lại mặc quần áo lao động bạc phếch, dài lê thê và bợt cả đũng ra
như thế!
Tôi đứng lại, mình lại cười mình, và định thôi không đuổi theo nữa.
Nhưng tôi bị đôi vai và mớ tóc bạc quen quen kia ám ảnh. Tôi lại đi rảo
bước. Vừa lúc đi vượt lên trên, tôi liếc nhìn rất nhanh vào mặt người đó; rồi
tôi quay ngoắt lại: thì ra đức Giám mục thật.
Người cũng đứng sững lại, miệng há hốc. Cái túi giấy to Người cầm bên
tay phải rơi xuống vỉa hè, bục ra và một đống khoai tây rơi tung toé, nảy cả
lên chân Người và lên chân tôi. Người nhìn tôi vừa ngạc nhiên vừa sợ hãi,
rồi Người như xẹp xuống cất tiếng thở dài. Tôi đưa tay ra. Người bắt tay tôi
và tôi thấy tay Người nhớp nhớp. Người cứ đằng hắng hoài ra vẻ rất bối rối
và Người vã cả mồ hôi trán. Trông cũng biết là Người đang khiếp sợ lắm.
- Khoai tây! - Người thì thầm yếu ớt. - Quý lắm!
Cả hai chúng tôi cúi xuống nhặt và lại cho khoai vào cái túi rách. Lần
này thì Người ôm khư khư cái túi trên tay. Tôi cố nói để Người hiểu là tôi