hôm nay, họ trao cho tám chiếc, phải làm xong trước khi đêm. Tôi hỏi bà cụ
làm việc bao nhiêu giờ, bà cụ trả lời cái đó tuỳ theo từng mùa.
- Mùa nực: đơn đặt hàng ùn đến, tôi làm từ năm giờ sáng đến chín giờ
tối. Nhưng mùa đông trời rét quá. Chưa làm tay đã cóng lại. Thành thử phải
làm khuya hơn, nhiều khi đến tận nửa đêm.
"Vâng, mùa nực năm nay thật là xúi quá. Thời buổi khó khăn. Chắc là
Chúa giận. Một tuần nay ông chủ mới trao cho tôi việc này là một đấy. Kể
ra, không có việc làm thì cũng chẳng dám ăn nhiều. Tôi cũng đã quen thế
rồi. Suốt đời tôi đi khâu thuê, ở bên nước tôi ngày trước, rồi ở cái đất San
Francisco này nữa; tất cả ba mươi ba năm rồi.
"Nếu được trả tiền nhà thì mọi việc đều ổn thoả cả. Ông chủ nhà ông ấy
tử tế lắm, nhưng ông ấy phải thu tiền nhà. Thế là phải, chứ còn gì nữa. Cái
buồng này ông ấy chỉ lấy có ba đô-la. Như vậy là rẻ lắm rồi. Nhưng mỗi
tháng xoay được ba đô-la có phải là chuyện dễ đâu?
Bà cụ lại không nói nữa và vừa gật gù vừa tiếp tục ngồi khâu. - Như vậy,
cụ chi tiêu chắc là phải dè xẻn lắm nhỉ, - tôi hỏi. Bà cụ gật đầu.
- Sau khi trả tiền nhà rồi, thì cũng không đến nỗi lắm. Dĩ nhiên, mua thịt
về ăn thì không được. Cũng không có sữa để pha cà-phê. Nhưng ngày nào
cũng được một bữa, và thỉnh thoảng lại được hai bữa.
Bà cụ nói câu sau cùng đó một cách tự hào. Giọng bà cụ đượm một vẻ
đắc thắng. Nhưng trong khi bà cụ im lặng ngồi khâu, tôi nhận thấy đôi mắt
vui vui của bà cụ giấu một nỗi buồn ghê gớm và hai bên mép của bà cụ rũ
xuống. Mắt bà cụ nhìn tận đâu đâu. Bà cụ vội vã đưa tay lên dụi mắt cho
khỏi mờ để tiếp tục khâu cho tốt.
- Không, không phải cái đói nó làm cho người ta đau lòng đâu, - bà cụ
giải thích. - Đói mãi nó cũng quen đi. Tôi khóc chính là vì đứa con gái tôi.
Nó đã bị máy nghiến chết. Nó làm việc đó vất vả thật, nhưng tôi không hiểu