thấy rất nhiều thứ mà những độc giả thường không thấy. Mỗi cột báo đều lộ
rõ vết tay mĩ miều của cái Gót sắt. Cố nhiên, người ta nói rất lờ mờ. Người
ta định tâm từ trước là để cho độc giả tự mình tìm hiểu lấy những lời úp úp
mở mở đó. Thật là khéo. Về mặt hư cấu thì báo chí ngày 27 tháng 10 đúng
là những kiệt tác.
Tin tức địa phương thiếu hẳn, cứ riêng việc này cũng đã là một đòn rất
cao tay. Nó phủ lên Chicago một bức màn bí ẩn và khiến cho người đọc
bình thường tưởng rằng tập đoàn thiểu số thống trị không dám đưa tin địa
phương. Có nhiều chỗ nói úp mở - cố nhiên là bịa về tình trạng bất phục
tùng xảy ra trên khắp nước, cải trang một cách sống sượng dưới những lời
lẽ bóng bẩy đầy vẻ tự mãn về những biện pháp trừng trị cần phải đem thi
hành. Có những tin về việc nhiều đài vô tuyến điện bị phá hoại bằng thuốc
nổ và về những giải thưởng dành cho ai khám phá ra thủ phạm. Cố nhiên,
chẳng có đài vô tuyến điện nào bị phá cả. Báo còn nói đến nhiều hành vi
bạo động tương tự, rất ăn khớp với kế hoạch của những người cách mạng.
Như vậy để gây cho các đồng chí ở Chicago một ấn tượng rằng cuộc tổng
khởi nghĩa đã bắt đầu, mặc dầu có nhiều thất bại cục bộ. Những người
không biết rõ tin tức không tài nào thoát được cái cảm giác lơ mơ nhưng
chắc chắn rằng khắp nước đã chín muồi để khởi nghĩa và khởi nghĩa đã bắt
đầu bùng nổ.
Có tin rằng cuộc làm phản của những đội quân đánh thuê ở bang
California nghiêm trọng đến nỗi sáu trung đoàn đã bị giải tán và bị phá tan,
quan quân cùng với gia đình họ đã bị trục xuất khỏi những thành phố riêng
và lùa về những khu lao động. Những đội quân đánh thuê ở California thực
ra lại là những đội quân trung thành với chủ nhất. Nhưng Chicago đã bị cắt
đứt mọi quan hệ với thế giới bên ngoài, làm sao mà biết được? Rồi lại có
một bức điện bị cắt đứt làm nhiều đoạn đưa tin về cuộc nổi dậy của đám
dân cùng khổ ở thành phố New York, có những đẳng cấp lao động tham gia,
kết thúc bằng một lời khẳng định rằng quân đội đã làm chủ được tình hình.