nghe, cho dù lũ trẻ con hàng xóm đã chán tới nỗi phủi mông bỏ về từ sớm.
Tôi mãi kiên trì như vậy, cứ mãi ngu ngơ ngồi nghe những mẩu chuyện
thú vị từ hắn, rồi lại gật gù. Cho đến tận bốn năm sau, khi tôi mười sáu, hắn
mười chín, tình cảm từ lúc bắt đầu chỉ như cơn gió nhẹ, thổi qua rồi thôi,
bâng quơ chút hơi hướng nào đó của tình yêu đôi lứa, tựa cơn nắng mơ
màng khẽ đậu trên bậu cửa, lóng lánh long lanh nhảy nhót rồi chợt tan…
Hắn, cũng như vậy đối với tôi, rồi thôi.
Bắt đầu từ mùa hè năm ấy, hắn không về xóm Hục nữa, cũng chẳng thể
nào về được nữa. Bởi lẽ, cả xóm Hục và phố Chợ đều thuộc diện di dời giải
tỏa toàn bộ, nghe đồn là có dự án khu đô thị mới dành cho giới thương
nhân giàu có. Ngày tan trường, hắn đứng đợi tôi trước cổng bên chiếc xe
Cup bạc màu sơn rồi mỉm cười, hắn dúi vào tay tôi món quà sinh nhật
muộn, đưa tay vò vò mái tóc dài của tôi đến rối tung lên rồi bật cười ha hả
mà phóng xe đi mất.
Tôi đứng mải nhìn theo, trái tim đập thình thịch rồi lại trầm xuống. Hắn
học đại học trên thành phố, nghe cái Liên nói cả tháng mới về nhà một lần,
mà số lần hắn trở lại xóm Hục thăm tôi chỉ vỏn vẹn đếm trên đầu ngón tay.
Thời gian cứ thấm thoát trôi, một năm nữa lại qua, tình người cũng theo
thời gian mà phai nhạt dần…
Ngày nội với chú thím cầm trên tay con số mấy chục triệu tiền đền bù
mà cười tít mắt, cũng là ngày tôi chẳng biết mình trôi dạt về đâu. Còn nhớ
buổi chiều hôm ấy, sau giờ học trên đường trở về, tôi gặp lại mợ Hai -
người mợ đã không gặp suốt từ thời tôi còn đỏ hỏn trong nôi, chẳng qua là
nghe nội nói tôi mới biết đó là ai. Hóa ra, cũng là một trong số những người
thân của tôi…
Trước ngày theo mợ lên bến xe vào Nam, tôi có gặp lại hắn một lần. Hắn
chỉ đứng lặng im trước cây lộc vừng già, mặc cho cánh hoa li ti đã rơi đầy
trên áo. Chúng tôi đứng nhìn nhau như vậy, chẳng ai thốt lên nổi một lời
nào.
“Em đi thật đấy à?” Giọng hắn khàn khàn, lại có chút run run chẳng
thành lời.