Tôi hỏi vài câu xem tình hình cụ thể thế nào, bác sĩ liếc tôi một cái,
bảo: “Có nói cô cũng không hiểu, cô cứ lo mà chuẩn bị tiền đi, những việc
khác giao cho bác sĩ chúng tôi là được.”
Tôi lại hỏi: “Vậy khi nào có thể tiến hành được?”
Anh ta nói với giọng mất kiên nhẫn: “Xếp hàng, khi tới lượt thì tiến
hành.”
Tôi hận một nỗi không thể nhổ bãi đờm đặc quánh lên mặt anh ta, rồi
nói với anh ta rằng, thật ngại quá, tôi bệnh lao phổi.
Nhưng tôi không thể làm như vậy, chỉ có thể moi mấy trăm tệ trong túi
ra, khúm núm dúi cho anh ta, “Vậy thì cảm phiền anh chăm sóc cha tôi...”
Anh ta trừng mắt với tôi, đẩy tiền ra, “Cô làm cái gì vậy hả! Tâm tình
của người nhà các cô tôi có thể hiểu, nhưng làm như vậy là trái với quy định!
Nếu cô quả thực không yên tâm, tôi sẽ bớt chút thời gian giảng giải tỉ mỉ cho
cô hiểu.”
Tôi cảm thấy hổ thẹn ghê gớm vì đã lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử,
bác sĩ người ta chỉ là tính khí cáu kỉnh từ thuở mới lọt lòng mà thôi. Khi tôi
đang kiểm điểm sâu sắc nhân cách của bản thân thì vị bác sĩ kia quay ngoắt
người bỏ đi. Trước khi đi, anh ta hất cằm nháy mắt ra hiệu. Tôi cứ nghiền
ngẫm mãi, không biết anh ta bị co giật hay là có ý tứ gì khác. Cuối cùng, tôi
học điệu hất cằm của anh ta, sau đó mới vỡ lẽ, trên tường có lắp camera giám
sát...
Tôi đang định hỏi y tá phòng làm việc của bác sĩ ban nãy nằm ở đâu thì
điện thoại đổ chuông. Tôi lấy ra xem, tim đập nhanh như nhấn ga xuống dốc,
xém tí nữa là phải đến khoa Tim mạch lấy số khám bệnh.