Ngón tay tôi kéo tay áo của anh không nhịn được mà siết chặt.
Chúng tôi đều từ một vùng quê nhỏ lên thành phố học đại học. Ở chỗ
chúng tôi, vừa bước chân lên phố lớn là có một ông chú nở nụ cười thật thà
phúc hậu, lái con xe nhìn có vẻ sắp thành một đống linh kiện đến nơi, hỏi cô bé
muốn đi đâu thế? Cho nên, hồi đại học, nhìn thấy tuyến xe buýt và tàu điện
ngầm chằng chịt như mạng nhện, tôi đã ngây ngẩn cả người. Thế là, bất kể đi
đâu, tôi đều đi theo Giang Thần, anh phụ trách dẫn tôi chuyển đổi giữa những
chiếc xe buýt và tàu điện ngầm phức tạp kia. Tôi chưa bao giờ phải nhọc lòng
nghĩ xem tuyến nào tới đâu, chưa bao giờ phải lo lắng sẽ ngồi sai hướng.
Sau đó, hồi mới tốt nghiệp bắt đầu đi làm, anh còn dẫn tôi đi rất nhiều
chuyến xe buýt, tàu điện ngầm, từ bệnh viện anh thực tập tới nơi tôi sống lại từ
nơi tôi sống tới công ty tôi, rồi từ công ty tôi tới bệnh viện anh thực tập, anh
còn sáng tạo ra một bài vè bảo tôi nhớ: “Bệnh viện công ty, qua đường 304;
nhà công ty, qua đường 507; nhà bệnh viện, qua đường 216”. Anh nói, em phải
nhớ rõ, địa điểm trong bài vè khi đảo ngược lại vẫn ngồi xe như vậy nhưng
không cần sang đường. Tôi nói, em biết rồi biết rồi, em đâu có ngốc như thế.
Mặc dù biết rồi, nhưng thi thoảng tôi vẫn sẽ ngồi nhầm.
Sau khi ngồi nhầm, tôi tìm một trạm để xuống xe rồi mặt dày gọi điện
thoại cho Giang Thần, bảo anh đến đón tôi về.
Sau đó, chúng tôi chia tay, tôi đổi công ty và chỗ ở, cẩn thận viết từng
tuyến đường lên cuốn sổ nhưng vẫn thường xuyên ngồi nhầm hướng. Một lần
tăng ca về nhà, tôi vừa lên xe là ôm lấy cột xe ngủ gật. Sau khi tỉnh lại, tôi mới
tá hỏa phát hiện, những nơi xe buýt ngang qua tôi hoàn toàn không biết. Trong
tình thế cấp bách, tôi rút điện thoại ra định bụng gọi điện thoại bảo Giang Thần
tới cứu mạng. Khoảnh khắc bấm số tôi mới sực tỉnh, ôm cột khóc nức nở.
Người không biết còn tưởng chiếc cột kia là người mẹ ruột mà tôi đã thất lạc
nhiều năm.