“Con gọi điện thoại cho ai thế? Nam hay nữ? Con mới năm nhất...”
Tiếp theo đương nhiên là một tràng những lời giáo huấn yêu sớm nguy hại cho
thể xác và tinh thần, nguy hại cho đầu óc, nguy hại cho mắt, nguy hại cho toàn
bộ các cơ quan có thể bị nguy hại. Cô nghe xong, bày tỏ một cách kiên định
với cha mình “Đúng thế ạ, nếu con yêu sớm, vậy thì quả thực không phải là
người nữa rồi.” Điều này chứng minh rằng bạn Trần Tiểu Hy không tốt, đồng
thời cũng chứng minh rằng cô không để tâm lắm tới thân phận là con người
của mình.
Hôm sau, Trần Tiểu Hy bị túm tới nhà bà ngoại. Đi vội vàng nên cô
quên mang theo điện thoại, tới nhà bà ngoại lại ngại dùng điện thoại của bà,
bởi vì người già luôn cảm thấy tiền gọi điện thoại đường dài có giá trên trời.
Trần Tiểu Hy nghĩ, thôi bỏ đi, quay về giải thích với Giang Thần là xong, dù
sao thì anh luôn chê cô bám rịt lấy anh như keo, hiếm khi tới nhà bà ngoại một
lần thì ở bên bầu bạn với bà. Thế là hàng ngày, cô cùng bà ngoại luyện khí
công, đi chợ, dắt chó đi dạo... Quả là hiếm khi nhàn nhã, cảm thấy ngày tháng
chậm rãi như một bài hát xưa cũ kéo dài.
Ở được hơn một tuần, bà ngoại bắt đầu thấy chán cô, bà bảo rằng bọn
trẻ các cháu rảnh rỗi mà không cùng bạn trai ra ngoài chơi, cứ ở bên bà già này
thật không có tiền đồ. Bà ngoại nói như vậy là vì bên nhà đối diện có một
chàng trai lớn hơn Trần Tiểu Hy một tuổi, bà ngoại còn nói là đã chứng kiến
quá trình trưởng thành của thằng bé từ nhỏ tới lớn, nhân phẩm tốt, muốn ghép
đôi.
Trần Tiểu Hy nghe bà càm ràm mấy lần cũng cảm thấy phiền, hơn nữa
bà ngoại cứ luôn miệng bảo cô đến nhà đối diện xin hành, xin tỏi, xin muối,
xin dầu. Để tránh tiếp tục như thế này người ta sẽ nghi ngờ nhà bà ngoại nghèo
rớt mùng tơi, hoặc là tham cái lợi nhỏ, hoặc là có tố chất tiềm tàng của kẻ ăn
mày, Trần Tiểu Hy đành phải tha thiết yêu cầu được về nhà.