Tôi khổ sở trang điểm trong chiếc xe đang chạy bon bon, may mà tình
trạng giao thông không tệ, về cơ bản thì sau khi trang điểm xong, ngũ quan vẫn
được xem là bình thường.
Khi đợi đèn đỏ, Giang Thần bỗng bật cười, ánh mắt đầy vẻ bỡn cợt,
“Kỹ thuật trang điểm của em tiến bộ không ít đâu nhỉ.”
Tôi lườm một cái, thừa biết anh đang cười gì.
Khi ấy là năm lớp Mười Hai, chúng tôi phải ngày đêm chiến đấu với kỳ
thi đại học. Ở mấy vùng khác có một số đồng chí cũng phải vật lộn với kỳ thi
lớn của đời người, không chịu đựng nổi áp lực mà kết thúc sinh mệnh mình.
Tin tức này truyền đi khắp các ban ngành lớn, truyền mãi mới tới trường học
nơi trấn nhỏ hẻo lánh của chúng tôi. Thế là, hiệu trưởng vội vàng triệu tập cuộc
họp khẩn cấp. Sau đó, vào một tháng trước kỳ thi đại học, các giáo viên đã
quyết định tổ chức một bữa tiệc tối cho đám học sinh chúng tôi đang trong giai
đoạn nước sôi lửa bỏng, tên của bữa tiệc là “Bước về phía ngày mai”. Cá nhân
tôi cảm thấy cái tên này thật vô nghĩa, trừ phi chết, nếu không ai mà chẳng
phải bước về phía ngày mai. Tiết mục đều do học sinh lớp Mười, lớp Mười
Một chuẩn bị, đọc diễn cảm, hợp xướng... Tóm lại toàn những tiết mục khiến
người ta xem xong là chẳng muốn sống tới ngày mai chút nào cả.
Trước bữa tiệc, các giáo viên gặp phải một tình huống khó xử. Học sinh
lên sân khấu biểu diễn kiểu gì cũng phải trang điểm, mà cả trường chỉ có dăm
ba giáo viên biết trang điểm, muốn trang điểm cho nguyên đội hợp xướng e
phải đến khi trời sáng mới xong. Thế là trong lúc cấp bách nhà trường quyết
định để học sinh lớp Mỹ thuật chia sẻ trách nhiệm trang điểm cùng giáo viên.
Là người đứng đầu bảng của lớp Mỹ thuật, tôi tự cho rằng mọi việc dễ như
chơi, mà không ngờ rằng mặt người và vải vẽ lại khác biệt nhiều như vậy. Nữ
sinh nào được tôi trang điểm đều bật khóc nức nở sau khi soi gương, bày tỏ
rằng nếu muốn các bạn ấy vác cái mặt kia lên sân khấu, thì các bạn ấy sẽ lựa
chọn “Cáo biệt ngày mai”. Mà lúc này, Giang Thần lại vừa khéo đi ngang qua.