– Kẻ cướp là kẻ gian. Kẻ gian phải sợ mình chứ sao mình lại sợ chúng.
Cô gái thấy đứa nhỏ trán cao, mắt sáng đầy nét dĩnh ngộ thì hỏi:
– Sao em không chịu đi học lại đi chăn trâu?
Đứa nhỏ đang hào hứng bỗng mím môi nhíu mày suy nghĩ. Hồi lâu nó
nói:
– Cũng giống như chị phải đi dưới trời mưa vậy.
Cô gái trố mắt:
– Em nói vậy là thế nào?
– Là tại gặp sao thì phải chịu vậy. Chị đang đi trên đường mà mưa đổ ào
xuống thì phải đi dưới trời mưa chứ sao.
Bà già vội vòng tay ôm đứa nhỏ vào lòng, lên tiếng như để vỗ về an ủi
nó:
– Sao cháu không chịu nghĩ là cháu còn may mắn hơn khối đứa trẻ khác.
Thiếu gì đứa mất cha, mất mẹ mà còn không có cả họ hàng, bà con nữa.
Những đứa đó tội nghiệp hơn cháu biết ngần nào!
Bà già đã thuộc lòng cả cảnh ngộ lẫn ý nghĩ của đứa nhỏ. Nó ra đời chưa
đầy năm thì mất cha, gần bốn tuổi thì mẹ lâm bệnh nặng phải về sống
nương nhờ một người chú. Chú nó là người giàu có tại động Hoa Lư nhưng
không muốn tốn kém nuôi cháu ăn học. Nó mới tròn năm tuổi đã phải theo
đám trẻ trong thôn đi chăn trâu. Nhờ thông minh, mạnh bạo, nó không bị
bạn bè bắt nạt mà còn vượt lên thành kẻ cầm đầu đám mục đồng thôn
Đông. Dù vậy nó vẫn không hết buồn khi thấy những đứa trẻ khác được
cắp sách đi học. Lúc này, nghe bà già nhắc đến bà con họ hàng, đứa nhỏ
càng cảm thấy tủi thân hơn. Nó nói:
– Cháu còn thương dì hơn người trong họ hàng nữa.
Bà già ra dấu cho nó im rồi nhắc:
– Cháu không đi học thì hàng ngày lui tới đây, dì dạy cho ít chữ cũng
được rồi. Nhưng dù dì thương cháu bao nhiêu cũng không thể so nổi với
tình thương của chú thím cháu. Cháu phải nhớ không bao giờ được nói như
thế, lỡ chú thím cháu nghe được, ông bà ấy sẽ buồn lắm.