Bà như chìm sâu vào dĩ vãng. Câu chuyện vùi lấp dưới đáy thời gian
bỗng bừng hiện lên từng chi tiết. Giọng bà đều đều:
- Chồng dì chỉ là một nho sinh yếu ớt nhưng do tính trọng nghĩa lại thêm
là giòng giõi Triệu Việt Vương nên được nhiều người thuộc giới võ lâm nể
trọng. Bảy vị huynh đệ trong Đông Sơn phái cùng chồng dì giao du rất thân
mật. Đông Sơn Lão Nhân thường nói Đông Sơn phái có Đông Sơn bát hiệp
mà người em thứ tám là chồng dì. Bữa ấy vào khoảng canh hai, vợ chồng dì
đang ngồi ở hiên sau thì Cao huynh đột ngột xuất hiện, người đầy máu. Cao
huynh chỉ kịp kêu hai tiếng "Chú Triệu" rồi ngã xuống bất tỉnh.
Chồng dì cùng viên quản gia đưa Cao huynh vào phòng cứu chữa, qua
ngày sau Cao huynh mới tỉnh lại. Câu nói đầu tiên của Cao huynh là nhắc
chồng dì mở túi hành lý lấy ra một chiếc bọc nhỏ. Cao huynh trao chiếc bọc
đó cho chồng dì và gọi cả hai vợ chồng dì tới dặn: "Đây là thanh kiếm thần
trấn quốc của đất nước ta thất lạc từ cả ngàn năm trước, hai em ráng giữ gìn
cẩn mật. Nếu không may ta có mệnh hệ nào, hai em tìm cách trao tận tay
cho đại ca".
Những ngày sau đó, Cao huynh cho biết thêm là trong dịp ghé Đường
Lâm, Cao huynh tình cờ phát giác kiếm thần đang nằm trong tay Triển
Hoành, một nhân vật võ lâm phương Bắc. Triển Hoành tìm được thanh
kiếm từ Hoan Châu, đem về tới Tây Phù Liệt thì bại lộ. Y kín đáo trốn về
Đường Lâm nhưng sợ không thoát nổi về Bắc nên mới bày ra một quỷ kế.
Y lấy mẫu, đúc một thanh kiếm giống hệt giao cho sư đệ là Đậu Hải Long
dẫn dụ những người đang theo đuổi về hướng Phong Châu. Trong lúc đó, y
bí mật xuống Hải Đông, tính men bờ biển ngược lên Lục Châu trở về. Cao
huynh theo sát y tới Hồng Châu thì quyết định xuất hiện chận đánh để cướp
lại thanh kiếm.
Trận đấu kéo dài gần trọn một đêm, Cao huynh bị Triển Hoành chém
trúng hơn hai mươi nhát. Tuy bị trọng thương, Cao huynh vẫn quyết đấu tới
cùng và chém được một nhát vào tay họ Triển. Nhát gươm này giúp Cao
huynh đảo ngược tình thế vì trước khi giao đấu, Cao huynh đã tẩm độc vào
lưỡi gươm. Chất độc cực mạnh khiến Triển Hoành gục chết tại chỗ. Khi