những người cùng tôn giáo với Thổ, lại đa số đồng hoá với Thổ, có kẻ nắm
những địa vị quan trọng trong chính quyền, trên thương trường của Thổ thì
Mustapha Kémal không thể dùng chính sách trên được. Ông nghĩ ra một
giải pháp: Buộc những người dân Thổ và những người ngoại quốc nhập
tịch Thổ, phải bỏ cái nón phê (fez) để phân biệt với các người phương
Đông ở trên đất Thổ mà có quốc tịch khác. Chắc độc giả đã đôi lần trông
thấy chiếc nón đó ở Sài Gòn: nó làm bằng len hay nhung màu đỏ hoặc
trắng, hình nón cụt, dưới rộng trên hẹp. Hầu hết các dân tộc Cận Đông đều
dùng nó từ thế kỷ 18, nó thành một thứ quốc tuý của họ, nay nhất đán bảo
họ bỏ thì làm sao họ chịu nghe? Nhất là khi bảo họ phải đội cái nón Tây có
lưỡi trai, có vành che trán của các tín đồ Ki Tô thì họ lại càng phẫn uất:
“Tín đồ Ki Tô đội thứ nón có lưỡi trai đó vì họ có tội lỗi, giả dối, không
dám cho Thượng đế ngó thấy mặt họ; chứ bọn tôi, chính trực quang minh,
tội lỗi gì mà phải đội?
Ông cố gắng giảng giải dẫn dụ họ hiểu rằng các dân tộc văn minh ở Âu,
Mỹ, theo đạo Ki Tô hay không đều đội thứ nón đó để che nắng, người Thổ
nên bắt chước họ để tỏ rằng mình cũng văn minh như họ. Nhưng không,
nhất định dân chúng không chịu nghe. Ông phải dùng bạo lực, mới đầu bắt
các công chức bỏ nón phê (tháng chín năm 1929), rồi một tháng sau cấm tất
cả các dân chúng đội nón đó. Ông lại độc tài đến nỗi sai cảnh sát đánh đập,
nhốt khám những kẻ nào trái lệnh. Thật là quá tàn nhẫn, cần gì phải gấp
như vậy? Vả lại muốn phân biệt người Thổ với các giống người khác thì
thiếu gì các mà phải chà đạp tâm lý của dân chúng, những kẻ đã cùng với
ông hi sinh tánh mạng tài sản cho Tổ quốc? Loạn nổi lên ở mười hai tỉnh,
một số cảnh sát bị dân chúng giết. Các linh mục Hồi hồi ngầm tưới dầu vào
lửa. Mustapha lại càng giận, ra lệnh chém, bắn hàng ngàn người. Dân
chúng bị đàn áp quá, phải miễn cưỡng theo, sau này Mustapha mới thấy
ảnh hưởng của chính sách độc tài đến tàn nhẫn đó.
*
* *