thuốc Bắc, người ta vẫn còn dùng cân ta, thì mới thấy được những cải cách
của Mustapha Kémal cấp tiến tới mực nào.
Không biết nước ta hiện nay có đạo luật nào che chở thanh niên chưa, chứ
ở Thổ ba chục năm trước, đã có luật đó, lại có “tuần lễ thanh niên”. Trong
tuần lễ đó, mỗi công chức được thay thế một cách hữu danh vô thực bằng
tên một thanh niên, nghĩa là công chức đó vẫn làm việc nhưng mang tên
một thanh niên trong khu, xóm và ký tên thanh niên đó. Chính sách đó có
thể làm cho ta mỉm cười, nhưng ta phải hiểu thâm ý của Mustapha là tập
cho người Thổ tôn trọng thanh niên và cho thanh niên thấy cái nhiệm vụ
lớn lao của họ sau này. Ta chỉ chê ông tỏ ra độc tài một cách khả ố, treo cổ
một ký giả vì vị ký giả đó hỏi một cách mỉa mai ông: “Ông có lập một nội
các thanh niên để điều khiển điều khiển quốc gia không?”. Không chấp
nhận một lời nói đùa mà xử tử người thì thật hẹp hòi tàn bạo vào hàng Kiệt,
Trụ rồi.
Nhưng đối với Phụ nữ thì chính sách của ông sáng suốt và rộng rãi. Ở đầu
bài này, tôi đã tả tình trạng của họ, tình trạng của một bọn nô lệ nhàn cư
trong các khuê phòng, các hậu cung, suốt ngày buồn chán cho thân phận
của mình. Mustapha Kémal muốn giải phóng họ, để họ dự phần kiến thiết
quốc gia. Sự thực thì ngay từ khi toàn dân Thổ nổi lên chống Anh, Pháp, Ý
sau đại chiến thứ nhất, họ đã tự giải phóng mà bỏ khuê phòng ra chiến địa
tiếp tay cha, chồng, anh, em. Nhưng đó chỉ là sự bồng bột trong một thời do
hoàn cảnh thúc đẩy. Khi dân Thổ đã dành lại được non sông, họ lại trở về
chốn phòng khuê, sống cuộc đời cũ. Mustapha Kémal chống lại hủ tục đó,
giữa Quốc hội tuyên bố:
“Tương lai của quốc gia cần những người mới có tinh thần mới, mà chính
phụ nữ ngày nay phải đào tạo cho ta những người đó. Trong lịch sử của ta
về đời tư cũng như đời công, đàn bà không bao giờ tỏ ra thua kém đàn ông.
Thế thì tại sao bây giờ họ còn choàng một cái khăn voan che kín mặt, tại
sao họ quay mặt đi khi thấy một người đàn ông? Cái đó không xứng với