một dân tộc văn minh. Tôi xin hỏi các đồng chí, phụ nữ chúng ta có phải là
người có lý trí như chúng ta không? Thế thì họ ngại ngùng gì mà không
nhìn thẳng thế giới? Một dân tộc ham tấn bộ không thể không biết tới phân
nửa quần chúng được. Dân tộc Thổ đã thề nhất định thành một quốc gia
mạnh thì vợ chúng ta, con gái chúng ta phải giúp chúng ta phụng sự Tổ
quốc, chỉ huy vận mạng Tổ quốc; sự an toàn và danh dự của tân quốc gia
Thổ sẽ giao phó cho họ”.
Quốc hội biểu quyết đạo luật và từ đó Phụ nữ Thổ cởi bỏ được cái ách của
hủ tục trong mấy thế kỷ.
*
* *
Thổ vốn là một xứ nông nghiệp cũng như nước ta. Khi mới cầm quyền,
Mustapha Kémal đã nghĩ ngay đến sự phát triển canh nông, đào kênh, đắp
đập để dẫn thuỷ nhập điền, mua máy cày, máy đập, cải thiện cách trồng
trọt, lập hợp tác xã nông nghiệp làm cho diện tích cày cấy trong 13 năm, từ
năm 1925 đến năm 1938, tăng lên gấp bốn.
Phương tiện giao thông được phát triển và cải thiện: trong 9 năm, từ 1930
đến 1939, tổng số bề dài đường cái tăng lên gấp đôi, từ 8.000 đến 15.000
cây số; lại thêm, mỗi năm trung bình xây cất được 200 cây số đường xe lửa.
Nhờ đó mà kỹ nghệ tiến cũng rất mau, nhất là trong công việc chế tạo
đường, xi măng và sợi vải.
Đáng phục nhất là Thổ năm 1923, sau 11 năm chiến tranh, gần như kiệt
quệ, dân số chỉ còn có mười triệu người, quốc khố rỗng không, vậy mà
không cần vay vốn của ngoại quốc, không thèm nhờ sự viện trợ của quốc
gia nào, tự mình thực hiện được chương trình kinh tế đó. Quả thực là một
phép mầu.