Các cường quốc châu Âu ve vãn Thổ, các nhà kinh tế gia chuyên môn đều
nhận rằng ngoài cách mượn vốn, không còn giải pháp nào khác, Mustapha
Kémal nhất định không chịu. Ông nhắc đi nhắc lại rằng “muốn mất độc lập
thì không gì bằng tiêu tiền của kẻ khác”. Ông đã thấy tai hại của chính sách
vay tiền của các triều đại Thổ. Ông đã thấy sự nhục nhã của một quốc gia
để cho quốc gia khác kiểm soát cả nền tài chính của mình. Không, hễ ông
còn sống ngày nào thì chính phủ Thổ không khi nào tự tròng cổ vào thòng
lọng như vậy, nếu phải chịu khổ hàng chục năm thì cũng rán mà chịu.
Nhưng ta đừng nên hiểu lầm ông thù oán các cường quốc phương Tây.
Không. Ông cương quyết không cho họ xen vào nội bộ của Thổ bằng cách
này hay cách khác, thế thôi. Ngoài ra ông vẫn giữ tình hoà hảo với mọi dân
tộc. Ngay như với Hi Lạp, kẻ thù của Thổ, mà ông vẫn không ghét. Năm
1922, sau khi đã thắng Hi, ông không đòi Hi một số bồi thường nào hết.
Anh, Pháp, Ý, trong trường hợp đó, tất đã cắt xén của Hi, đòi quyền lợi này,
quyền lợi khác, và bắt Hi ký giấy nợ rồi! Mustapha Kémal sáng suốt hơn.
Một chính khách Âu hỏi ông tại sao dại vậy? Ông đáp: “Giữ tình hoà hảo
với nhau, rồi buôn bán với nhau, chẳng có lợi hơn là bắt người ta bồi
thường, rồi sau này lại gây xích mích với nhau nữa ư?”. Nội một điểm đó
cũng đáng cho ta khen ông có nhãn quang thiên lý, không phải hạng Lloyd
George và Clémentceau bì kịp. Ông ký những hiệp ước thân thiện với Anh,
Pháp, Nga, Ý, Bảo
và với các nước ở Trung Đông, chủ ý là để được yên
ổn kiến thiết lại xứ sở.
Không những vậy, ông còn biết hợp tác với các nước văn minh trong các
công cuộc nhân đạo. Ngày lễ Giáng sinh năm 1931, một tin tức của đài phát
thanh Angora làm thế giới ngạc nhiên: chính phủ Thổ đã gia nhập hiệp ước
Genève về việc kiểm soát nha phiến ở khắp thế giới và đã đề nghị một
chương trình kiểm soát tại Thổ, có vạn quốc tiếp sức. Ta nên nhớ rằng lúc
đó khắp thế giới mới có chín nước: Gia Nã Đại, Ấn Độ, Nicaguara, Ba Tư,
Pérou, Soudan, Thuỵ Điển, Huê Kỳ chịu ký tên vào hiệp ước Genève. Vậy