*
* *
Hồi Dostoïevsky mới bốn tuổi, ở nước Nga có một cuộc vận động để cải
cách chính thể. Một nhóm nhà cách mạng ở Saint Péterbourg muốn đổi nền
quân chủ độc tài ra nền quân chủ lập hiến, bãi bỏ chế độ nông nô và chính
sách thể hình. Họ chưa bạo động, mới chỉ hô hào, thì quân đội Nga hoàng
đàn áp, giết một số, còn bao nhiêu thì đày qua Sibérie. Vụ đó xảy ra tháng
chạp năm 1825, cho nên trong lịch sử gọi là vụ tháng chạp.
Nhưng trong lịch sử nhân loại có bao giờ chỉ dùng võ lực mà diệt nỗi tư
tưởng cách mạng đâu. Các nhà trí thức Nga so sánh chế độ lạc hậu của
nước mình với chế độ tương đối tự do, duy tân của các nước Ây Tây thì
không thể nào không bất bình, không mong mỏi ít nhiều cải cách.
Pétrachevsky là một trong những người đó. Ông là một công chức, họp một
nhóm đồng chí để bàn về chính sách chính trị. Dostoïevsky nhập bọn. Họ
chỉ mới “thanh đàm” về thời cuộc chứ chưa có chương trình hoạt động mà
cũng chẳng tuyên thệ gì cả. Chưa thành một hội kín nữa. Nhưng rồi xảy ra
nhiều vụ nông dân nổi dậy giết các lãnh chúa tàn nhẫn, kế đến, cách mạng
1848 ở Pháp vang vội tới Nga. Hoàng đế Nicolas đệ Nhất đâm hoảng, ra
lệnh cho công an phải hoạt động mạnh, và một đêm, Dostoïevsky đương
ngủ ở nhà thì có lính tới lục soát rồi lôi đi, đem nhốt ở pháo đài Pierre et
Paul. Ông cho là người ta bắt lầm, sớm muộn gì cũng được thả nên cứ ung
dung viết tiểu thuyết mới. Một tuần, hai tuần, cả tháng cũng chẳng thấy gì.
Không phải là lầm rồi. Người ta buộc tội ông thật. Ông nghĩ: “Vô lý quá!
Nếu phát biểu vài ý kiến chính trị trong đám bạn bè thân mật mà cũng bị
khép tội thì người nào thoát được tội?”. Nhưng toà án không cho vậy là vô
lý, mà tuyên bố rằng nội cái ý làm cách mạng cũng đủ buộc tội rồi, và
quyết định xử tử một số non 20 người.
Ngày 21-12-1849 Dostoïevsky bị đưa ra pháp trường với một số tội nhân