ngùi như từ biệt mẹ hay em, nhớ lại đời xa hoa ở Saint Péterbourg mà ân
hận. Những vị vợ hiền đó làm cho ông tin ở tương lai dân tộc Nga và ông
thấy rằng đàn ông không thể làm được việc gì lớn nếu không có sự hy sinh
của đàn bà.
Người ta giải bọn ông tới pháo đài Omsk và ở đấy, suốt bốn năm, ông sống
chung với bọn ăn cắp, hiếp dâm… trong những phòng giam bằng gỗ cất
trên một khu đất hoang xơ xác, bốn bề là một hàng rào cắm một ngàn rưỡi
cây nọc. Tên coi ngục vào hạng khát máu, tàn nhẫn, muốn giết ai thì giết,
có lần đánh một giáo sư Đại học già đến chết ngất chỉ vì ông ta đã phản đối
thái độ của hắn và nói: “Chúng tôi là chính trị phạm chứ không phải là
những tên cướp”. Dostoïevsky cũng bị cạo nửa đầu và nửa râu như những
tội nhân khác. Mỗi buổi sáng họ chỉ được một hớp nước, có kẻ súc miệng
xong rồi nhổ lên bàn tay rồi chùi mặt. Phòng giam cũng đầy rệp và hôi thối
vì nước tiểu và phân. Ông muốn làm quen với họ, làm việc chung với họ,
tranh đấu với họ, từ bỏ cái đời quý phái hồi trước của mình để sống cái đời
của bình dân, của hạ lưu, muốn tìm cái cao cả trong cái cặn bả của xã hội,
nhưng họ từ chối ông, không cho ông nhập bọn chỉ vì ông sinh ra trong một
gia đình địa chủ. Buồn chán, ông chỉ còn cách đọc Phúc âm để hy vọng, và
gom tài liệu để khi nào mãn hạn, sẽ tả lại đời sống trong cảnh địa ngục đó
cho quốc dân biết.
Tháng 2 năm 1854, người ta đem búa vào tháo xích sắt cho ông. Tiếng búa
rang rảng, xích rớt xuống đất! Dostoïevsky lượm lên, ngắm một hồi lâu, rồi
nhìn xuống vết thẹo ở chân do xích cà vào, mà bùi ngùi; nhìn bước đường
sau này mà ngại: sức đã suy, cơ thể đã già mà bây giờ phải chiến đấu, đau
khổ để làm lại cuộc đời từ tên lính nhì! Nhưng nghĩ tới những bài học ở
trong ngục, ông tin tưởng được một chút: trong bốn năm ông đã hiểu được
bài học bác ái trong Phúc âm, đã tin ở dân tộc Nga, một dân tộc mà tinh
thần hy sinh, nhẫn nại của phụ nữ rất cao. Một dân tộc mà “bề ngoài tưởng
là rác nhưng trong thì là vàng”. Và ông nhất quyết sẽ phụng sự dân chúng
Nga. Sau này, có ai bắt bẻ ông: “Ai cho ông cái quyền lên tiếng thay dân