Hôm sau ông tiếp đại diện của các dân tộc theo đạo Hồi hồi ở trong điện
của Hussein. Chúng ta biết rằng đạo đó có tín đồ ở khắp thế giới, từ Ai
Cập, Ả Rập, Ba Tư tới Ấn độ, Mã Lai... Vấn đề đem ra bàn là giao Thánh
địa cho ai cai quản. Người Ấn Độ đòi quyền đó về họ vì số người Ấn theo
đạo đông hơn số các dân tộc khác. Người Ai Cập phản đối, viện lẽ rằng từ
mấy thế kỷ nay họ vẫn kiểm soát sự hành hương. Không ai nhịn nhường ai.
Ibn Séoud cương quyết tuyên bố:
“Thưa chư vị đại biểu, xin chư vị tin chắc điều này là không khi nào tôi để
cho người ngoại quốc kiểm soát đất đai của tôi. Nhờ Chúa phù hộ, tôi giữ
cho miền này được độc lập. Mà tôi nghĩ rằng không có dân tộc theo Hồi
hồi nào gởi đại diện lại đây hôm nay có thể đảm bảo sự tự do cho xứ
Hedjaz vì lẽ rất giản dị rằng trong số những dân tộc đó không có một dân
tộc nào tự do. Người Ấn Độ, người Irak, người Transjordanie, và người Ai
Cập đều ở dưới quyền người Anh. Còn Syrie, Liban thì là thuộc địa của
Pháp; Tripolitaine là thuộc địa của Ý. Giao sự cai quản Thánh địa cho
những dân tộc đó có khác gì đem dâng Thánh địa cho thế lực Ki Tô không?
Tôi đã chiếm được Thánh địa do ý chí của Allah, nhờ sức mạnh của cánh
tay tôi và sự trung thành của dân tộc tôi. Ở đây, chỉ có một mình tôi là tự
do. Vậy chỉ có mình tôi là đáng cai trị khu đất thiêng liêng này...
Không phải tôi muốn thống trị xứ Hedjaz đâu. Tuyệt nhiên tôi không có ý
đó! Chúa đã trao cho tôi xứ đó thì tôi xin nhận cho tới khi nào dân xứ
Hedjaz có thể tự bầu cử một vị thống đốc - một vị thống đốc tự do, chỉ biết
phụng sự cho Islam thôi - thì tôi sẽ trả lại.”
Các đại biểu câm miệng. Ibn Séoud đã theo gót được Mahomed. Làm chủ
được thánh địa là làm chủ được xứ Ả Rập. Ông phải chiến đấu ít nữa để
đuổi Ali ra khỏi Djeddah mà chiếm nốt Hedjaz. Người Anh lúc đó mới thấy
ngôi sao của ông là rực rỡ.