Ông Gérald de Gaury viết trong cuốn Arabia Phoenix: “Sự trị an ở xứ Ả
Rập Séoud thực lạ lùng, khắp Âu châu có lẽ không nước nào được như
vậy.”
Ông Jean Paul Penez trong bài Une enquête chez les les fils d Ibn Séoud
cũng nhận: “Xứ đó là xứ yên ổn nhất thế giới, một xứ mà đức, hạnh là sự
bắt buộc... Trên khắp cõi Ả Rập trong suốt năm, tội sát nhân cướp bóc lại ít
hơn Paris một ngày”. Được như vậy là nhờ dân chúng theo đúng kinh
Coran.
*
* *
Từ trước, Séoud với vài cận thần lo mọi việc trong nước. Nay ông thấy cần
phải lập nội các như các nước tân tiến, cũng có đủ các bộ: Nội vụ, Tài
chánh, Ngoại giao, Canh nông, Tư pháp, Quốc phòng... Nhưng lựa đâu
được người để giao những trách nhiệm đó? Trong xứ Nedjd thiếu hẳn nhà
trí thức có tân học thì làm sao canh tân quốc gia được? Ông có óc rộng rãi,
không kỳ thị ngoại tộc, tiếp đón tất cả các nhân tài dù là Ba Tư, Ấn Độ,
Syrie, Ai Cập... miễn họ có huyết thống Ả Rập và theo đạo Hồi hồi. Thành
thử nội các đầu tiên của ông gồm một người ở Quasim, một người ở Ai
Cập, một người Syrie, một người Palestine, một người Liban...
Khi trưởng nam của ông mất, hoàng tử Saud được lên làm đông cung thái
tử. Độc giả còn nhớ Saud sinh ở Koweit đúng vào lúc ông chinh phục được
kinh đô Ryhad. Từ hồi mười tám tuổi, chàng theo cha trong các cuộc hành
quân, tỏ ra rất can đảm, được lòng sĩ tốt, vì sống chung với sĩ tốt một cách
rất bình dị. Năm 1934, trong một cuộc hành hương ở Mecque, chàng lấy
thân che cho cha để cha khỏi bị bốn tên thích khách ám hại.
Fayçal, em của Saud, được làm phó vương ở Hedjaz, rồi sau làm thủ tướng
nhờ óc sáng suốt, cấp tiến, hiểu biết nhiều về Tây phương.