GƯƠNG CHIẾN ĐẤU - Trang 153

thêm những giếng mới, đào kinh, đắp đập, kết quả là kiếm thêm được nước
để nuôi được 400.000 người và 2.000.000 súc vật nữa. Hàng trăm ngàn dân
du mục dắt lạc đà, dê, cừu đi lại các giếng nước, vừa đi vừa tụng kinh y
như để dự những cuộc lễ, nhộn nhịp không kém cuộc di cư của dân Mỹ
trong thế kỷ trước để tìm vàng ở miền Tây.

Có nước rồi thì thêm ruộng, thêm vườn, thêm gia súc. Một bọn kỹ sư canh
nông Mỹ lại được mời qua để nghiên cứu đất đai và phương pháp trồng
trọt. Những đất đã bỏ hoang từ mấy ngàn năm, nhờ có nước mà phì nhiêu lạ
lùng, hơn cả miền Texas ở Mỹ. Lúa mì, lúa mạch, cà chua, cà rốt, dưa, tỏi,
cà... chỉ cần gieo xuống là mọc lên xum xuê. Mỗi mẫu ở Texas chỉ sản xuất
được bốn tạ rưỡi lúa mì, thì ở đây sản xuất được tới mười bảy tạ. Ibn Séoud
vội vàng lập ra một bộ canh nông mà từ xưa tới nay xứ Ả Rập chưa hề có.

*
* *

Sản xuất được nhiều rồi thì phải nghĩ đến vấn đề vận tải, giao thông. Không
thể dùng hoài phương pháp cổ lỗ là chở trên lưng lạc đà, mà phải lập những
đường xe lửa. Nhưng tiền đâu? Lợi tức của dân quá thấp, dân số lại ít, sa
mạc thì mênh mông, không thể tăng thuế quá sức chịu đựng của dân được.
Vấn đề quả thực là nan giải.

May thay, một phép mầu nữa lại xuất hiện, nhờ Allah phù hộ. Năm 1920,
một người Anh tên là Frank Holmes, đào giếng ở cù lao Bahrein, trên vịnh
Ba Tư, ngoài khơi Hasa, chủ ý là để kiếm nước mà không ngờ lại kiếm
được dầu lửa, mà người Âu gọi là “hắc kim” (vàng đen), là cái “gân của
chiến tranh”.

Từ thời thượng cổ, người Chaldée đã biết dùng chất đó để làm hồ cất nhà,
người Ai Cập dùng để ướp xác. Họ không biết lọc, để nguyên chất ở dưới
mỏ đào lên mà dùng. Rồi tới giữa thế kỷ XIX, một đại tá Mỹ tên là Drake

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.