GƯƠNG CHIẾN ĐẤU - Trang 156

California Arabian Standard Oil, viết tắt là C.A.S.O.C, như vậy đủ sức
cạnh tranh với những công ty của Anh trên thị trường Á châu. Ở đời này,
phải có nanh vuốt mới sống được.

Từ đó dầu lửa Ả Rập mới sản xuất mạnh mẽ, năm 1935 là 174.000 tấn,
năm năm sau tăng lên tới 3.000.000 tấn. Các nhà máy lọc dầu mọc lên như
nấm ở bờ vịnh Ba Tư, tàu bè ra vô tấp nập, mà vàng cứ tiếp tục tuôn vào
kho của Ibn Séoud. Ông khôn khéo, không bán đứt, ông bảo đất cát trong
xứ là của toàn dân chứ không phải của ông, ông chỉ bằng lòng cho thuê
trong một thời hạn nào đó thôi, hết hạn nghĩa là tới năm 2.000 thì tất cả
máy móc, nhà cửa sẽ về ông hết.

Và ông lo xa, dạy dỗ dân chúng để đến năm 2000, người Ả Rập có thể tự
khai lấy phú nguyên của họ, khỏi phải nhờ người ngoại quốc, nên một mặt
ông phát triển những đường giao thông, nhất là đường hỏa xa, một mặt mở
trường dạy chữ, dạy nghề. Trong một diễn văn, ông bảo:

“Độc lập về chính trị mà làm gì nếu không có sự độc lập về kinh tế? Chúng
tôi tân thức hóa xứ này không phải để cho nó mất tự do, mà chính là để
cho nó có thể hưởng được sự tự do. Xin các bạn phương Tây đừng hiểu lầm
tôi... Xưa kia, dân tộc Ả Rập ngài ngại người ngoại quốc thật đấy, vì nỗi
khốn khổ của họ luôn luôn do người ngoại quốc gây ra cả; nhưng tinh thần
đó đã thay đổi rồi, vì tôi thấy giới thượng lưu Ả Rập rất thân thiện với các
kỹ thuật gia ngoại quốc.

“Nhưng xin các bạn ngoại quốc đừng nuôi ảo vọng: tình thân thiện đó,
muốn giữ nó thì các bạn phải biết trọng tục lệ và tín ngưỡng của chúng tôi.
Tôi muốn rằng các bạn tới đây với tư cách giáo sư, chứ không phải với tư
cách ông chủ, tới đây làm khách chứ không phải làm kẻ xâm lăng. Xứ Ả
Rập nhờ Trời lớn lắm, có thể thỏa mãn tất cả các tham vọng, trừ tham vọng
này: chiếm đất của nó”.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.