Thực là không còn úp mở gì cả. Ibn Séoud nhắm ai đó? Các kỹ thuật gia đó
là dân nước nào vậy, chắc độc giả còn nhớ. Nhưng chính những kỹ thuật
gia đó nghe diễn văn lại không thấy khó chịu, còn mến phục nữa. Vì chính
họ cũng là những dân thuộc địa đã tự giải phóng, chính họ đã phải chiến
đấu như người Ả Rập để giành lại quyền tự do.
*
* *
Mới bắt đầu thịnh vượng được trong mấy năm thì đại chiến lại nổ. Lần này,
Ibn Séoud không chưng hửng nữa. Ông đã đoán trước nó phải tới. Vả lại
ông đã là một quốc vương đáng kể rồi, chứ không còn là hạng tầm thường
hồi 1914 nữa.
Chiến tranh vừa phát, ông đem ngay đội quân thiện chiến Ikwan lên đóng ở
phương Bắc và phương Tây. Biết đâu chừng đại chiến thứ nhất làm cho đế
quốc Thổ sập thì đại chiến này chẳng làm cho đế quốc Anh sập theo. Và
nếu đế quốc Anh sập thì ông sẵn sàng để thay thế họ, chiếm lấy Irak và cả
một miền theo bờ Địa Trung Hải, từ Ai Cập tới Thổ.
Chỉ sau mấy tháng, Pháp phải nằm bẹp dưới gót giày của Đức, rồi Anh lâm
nguy. Chính thủ tướng Churchill phải nhận rằng những năm 1940, 1941,
“người Anh chỉ rán giữ cho khỏi chìm lỉm cũng đủ mệt đừ rồi”. Nhưng
nguy thì nguy, họ vẫn cố nắm lấy miền Tây Á, để khỏi phải mất cái “gân
của chiến tranh” tại Ba Tư, khỏi mất liên lạc với Ấn Độ, hòn ngọc của đế
quốc Anh. Cho nên họ đem quân Ấn lại đổ bộ ở Bassorah, bất chấp cả hiệp
ước Anh-Irak.
Irak chống lại, họ nhanh tay dẹp được. Dẹp xong, Churchill tuyên bố giữa
quốc hội: “Hú hồn, nhưng nay mọi sự đã yên rồi”.
Kế đó, Anh đuổi được người Pháp ra khỏi Syrie mặc dầu bị tổn thất rất