cần dùng 10.000.000 Mỹ kim nữa. Cho nên ông đáp:
“Bà con muốn mượn đường thì được nhưng xin trả tiền cho chúng tôi!
Muốn mượn hải cảng cũng được, nhưng xin trả tiền cho chúng tôi! Mà trả
bằng vàng ròng hoặc bằng Mỹ kim kia, chứ chúng tôi không chịu nhận Anh
kim”.
Anh đổ quạu. Quân vô ơn này, trước kia ngửa tay xin mình năm ngàn Anh
kim một tháng mà bây giờ lên chân, đòi tống tiền mình mà lại chê không
thèm Anh kim! Anh muốn trừng phạt cho biết tay, nhưng Mỹ vội can: “Tụi
Ả Rập đó là tụi cuồng tín. Tấn công nó thì nó chống cự lại tới cùng. Nó có
thể đốt hết các mỏ dầu lửa được lắm. Mà thuật du kích của nó cũng đáng sợ
dấy. Tôi mới cho bác mượn 425.000.000 Mỹ kim, thôi thí cho nó
10.000.000 đi”. Anh bắt buộc phải nghe lời. Ibn mỉm cười nhận tiền vì có
nhân viên cho hay trước rằng tiền đó chẳng phải là của Anh đâu.
Sở dĩ Roosevelt chơi cay với Anh như vậy vì mấy năm trước, người con
trai của ông, đại úy James đã lãnh sứ mạng qua dò xét tình hình miền Tây
Á, Trung Á rồi về tường trình rằng dân chúng miền đó không ưa người
Anh, mà tài nguyên lại rất nhiều, Mỹ nên len chân vào đi.
Anh trao tiền cho Ibn Séoud và đòi hỏi những quyền lợi này nọ về chính trị.
Mỹ đâu chịu để cho Anh dùng tiền của Mỹ để làm lợi cho Anh, phản đối lại
liền, ghi ngay Ả Rập vào danh sách những xứ được hưởng luật cho mượn
và cho thuê; thế là tha hồ muốn tiếp tế cho Ibn Séoude bao nhiêu cũng
được, chẳng cường quốc nào nói ra nói vào nữa, vì hồi đó Anh, Pháp đều
phải ngửa tay xin Mỹ viện trợ cả.
Chính ra đạo luật đó chỉ để giúp những nước dân chủ bị bọn phát xít hăm
dọa. Ả Rập Séoud không bị phát xít hăm dọa mà lại càng không phải là một
nước dân chủ. Nhưng Thượng nghị viện không chất vấn và thông qua với
đại đa số thăm thuận.