* *
KINH ĐÔ DẦU LỬA
VÀ ĐỒN TIỀN TUYẾN CỦA CHÂU ÂU
Roosevelt và Ibn Séoud mới thỏa thuận với nhau tháng hai, thì tháng ba
công việc khai thác bắt đầu liền. Xứ Ả Rập Séoud không ngờ mà nhiều dầu
lửa đến thế. Người ta phỏng đoán rằng nó có tới 42% dầu lửa của thế giới;
mới đây đào sâu thêm, người ta lại thấy một lớp dầu nữa, còn nhiều hơn lớp
đương khai thác, như vậy thì Ả Rập Séoud có tới 80% dầu lửa thế giới.
Thời hạn 60 năm ngắn quá. Làm sao mà khai thác cho hết được? Các nhà
kinh tài ở Wall Street phải tính gấp làm sao chứ? Các kỹ sư Mỹ phải tổ
chức làm sao cho có hiệu quả hơn nữa chứ? Anh đâm hoảng: cạnh tranh
sao nổi với Mỹ?
Sa mạc Ả Rập không còn là một nơi hoang vu nữa. Con cháu của chú Sam
dắt díu nhau tới lập nghiệp. Chỉ trong năm năm, một châu thành hiện lên ở
giữa bãi cát y như trong truyện Ngàn lẻ một đêm, tức châu thành Dahran,
kinh đô dầu lửa, với các khách sạn, các tiệm cà phê, tiệm tạp hóa, sân banh,
hồ tắm, rạp hát bóng chiếu những vũ khúc mê ly ở Broadway và những
phim cao bồi giật gân ở Texas, nhất là lại đủ cả những vườn hoa, sân cỏ mà
công tưới tốn kém ghê gớm. Người ta bứng những cây trúc đào, những nệm
cỏ từ bên Mỹ qua. Lave, thịt bò hộp, sữa, dĩa hát, sinh tố, báo chí, sà lách,
đều nhập cảng từ Mỹ. Công ty Aramco cung cấp cho ba ngàn nhân viên Mỹ
đủ những tiện nghi để giữ được lối sống Mỹ trên sa mạc Ả Rập. Ngoài ra
có năm ngàn nhân viên bản xứ cũng được hưởng những xa hoa của văn
minh ở giữa một cảnh màu sắc rực rỡ: trời xanh, cát vàng, xe cam nhông
đỏ; và đêm xuống, những cây đuốc ở các giếng dầu phun lửa lên như
những khăn choàng mềm mại, hồng hồng, cách trăm rưỡi cây số cũng trông