thấy.
Năm 1950, công ty sản xuất được khoảng 80 triệu lít dầu mỗi ngày, đóng
góp cho nhà vua khoảng 160 triệu Mỹ kim mỗi năm. Chỉ có mấy năm, Ibn
Séoud thành một trong bốn người giàu nhất thế giới.
Ông dùng số tiền đó để:
- nhập cảng những vật dụng cần thiết cho dân chúng như gạo, đường, cà
phê, vải
- mắc điện tại những tỉnh lớn
- mở mang việc học
- xây cất thêm đường xe hơi, xe lửa và phi trường.
Hiện nay đã có hai chục ngàn cây số đường trải đá nối liền các châu thành
và các ốc đảo lớn với nhau. Ông chú ý nhất đến việc lập đường xe lửa nối
Dahran với Ryhad, tức nối kinh đô dầu lửa với thủ phủ của Ả Rập Séoud.
Đường dài sáu trăm cây số mà băng qua một miền toàn cát.
Đặt đường rầy trên cát là một việc rất khó khăn vì cát dễ lún mà một cơn
gió nổi lên là nó bay đi, muốn giữ nó lại phải đúc nó thành một khối. Một
khối rộng năm sáu thước, dài sáu trăm cây số, độc giả thử tưởng tượng
công phu và phí tổn ra sao. Các nhà chuyên môn Mỹ nghiên cứu kỹ trong
mấy tháng rồi trả lời Ibn Séoud là không sao làm nổi. Ông gạt hết những
phúc trình cùng bản đồ của họ, bảo: “Tôi mời các ông lại đây để làm đường
xe lửa. Nếu các ông bất lực thì tôi sẽ gọi một công ty ngoại quốc khác”.
Thế là tháng sau, họ bắt tay vào việc. Luôn bốn năm, hai nghìn thợ làm
suốt ngày đêm, đổ hàng ngàn tấm bê tông, hàng ngàn tấn dầu lửa nguyên