gọi thẳng tên ông, chẳng phải “muôn tâu bệ hạ”, “vạn vạn tuế hoàng
thượng” gì cả. Bất kỳ người dân thường nào cũng có thể tỏ nỗi oan ức với
ông, ông không cấm cửa ai hết. Mà ông lại rất yêu thơ. Tôi đã chẳng nói
rằng người Ả Rập nào cũng là một nhà tu hành, kiêm chiến sĩ và thi sĩ đó
ư?
Có lẽ khắp thế giới, ông là ông vua độc nhất không bị quyền thế làm hư
hỏng thiên lương.
*
* *
Công ty Aramco cũng khôn khéo, trông xa, biết rằng tới năm 2005, khi
mãn khế ước, thế nào cũng phải trả lại hết, muốn sau này vớt vát được chút
quyền lợi thì ngay từ bây giờ phải lấy lòng người Ả Rập. Nên họ bỏ ra hai
mươi sáu triệu Mỹ kim cất nhà cho nhân công bản xứ với đủ tiện nghi:
nước máy, đèn điện, cả bếp điện nữa; rồi cất trường cho trẻ em Ả Rập học
tới năm 18 tuổi. Mỗi năm tuyển 500 sinh viên ưu tú cho ăn học rồi gởi qua
bên Mỹ tập sự.
Công ty lại rất tôn trọng luật lệ của nhà vua. Như tôi đã nói, Ibn Séoud theo
một chính sách trái hẳn với Mustapha Kémal, muốn thần dân của ông phải
giữ cổ tục. Bận sơ mi ni lông thì được, nhưng phải theo đúng những điều
cấm trong kinh Coran. Cấm tuyệt không được uống rượu. Và muốn cho dân
khỏi bắt chước người Mỹ rối uống lén, ông cấm cả người Mỹ uống Whisky,
hễ bắt được họ chở Whisky vào xứ thì tịch thâu, dù là rượu gởi cho tòa đại
sứ Mỹ cũng mặc. Gan thật! Bắt người Mỹ nhịn Whisky thì chỉ có Ibn
Séoud mới làm nổi. Chẳng những vậy, ông còn yêu cầu nhà thờ của Mỹ có
làm lễ thì cứ lẳng lặng mà làm, đừng kéo chuông ầm ỉ vì “những giáo phái
của ông nghe tiếng chuông nhà thờ có thể nổi giận được”.
Aramco và cả tòa đại sứ Mỹ nữa răm rắp theo. Quả thực nghị lực của ông