hạnh phúc cho đồng bào. Cảnh những thân thể loã lồ đi đi lại lại bên cạnh
một lò hấp nồng nặc hơi nước hôi thối, cảnh tra tấn đến vọt máu, đến chết
giấc, cảnh tội nhân bị gọt đầu một nửa, chân đeo xích lên sân khấu diễn
những hài kịch mua vui cho bạn, làm cho độc giả khâm phục thiên tài tả
thực của Dostoïevsky và danh ông, đã không được ai nhắc tới trong mười
năm, bỗng vang lên khắp nước.
Ông cùng với người anh là Michel cho ra tạp chí Thời báo. Viết suốt đêm,
ngày nghỉ. Thỉnh thoảng lại lên cơn động kinh. Mỗi lần như vậy, trước khi
lên cơn, ông được hưởng vài giây xuất thần khoan khoái lạ lùng
nhưng tỉnh cơn rồi thì mệt mỏi quên hết mọi việc, phải nghỉ vài ngày rồi
mới lần lần nhớ lại. Bạn bè phải giúp ông, đọc những đoạn văn viết sau mỗi
cơn động kinh, thấy chỗ nào mâu thuẫn hoặc không liên tiếp với đoạn trên
thì cho ông hay để sửa lại.
Năm 1862 vừa mệt vừa chán (cuốn Những kẻ nhục nhã và bị xúc phạm
không được hoan nghênh), ông du lịch ngoại quốc, để vợ ở nhà. Ông thăm
Ba Lê, Luân Đôn, Genève, Florence, để tìm hiểu văn minh Âu Tây. Về
nước ông viết bài chỉ trích văn minh đó và chủ trương chỉ có dân tộc Nga là
chưa bị nhiễm, còn giữ được tính giản dị, gần với tự nhiên, và giữ được đức
tin chất phác, trung hậu.
Năm sau, ông lại đi du lịch, lần này với một tình nhân, nàng Pauline
Souslova.
Năm 1864 vợ chết, rồi anh là Michel cũng chết. Dostoïevsky lãnh hết
những món nợ của anh, lại nhận nuôi con cho anh. Ông làm việc như trâu:
một mình trông nom tờ báo, rồi viết bài, viết sách. Có những món nợ phải
trả gấp, ông phải thương lượng với một nhà xuất bản để bán non bản
quyền. Nhà xuất bản đó bất lương đến nỗi cứa cổ ông một cách tàn nhẫn
không tưởng tượng được: đưa cho ông ba ngàn rúp, và bắt ông bán đứt bản
quyền hết thảy những tác phẩm viết từ trước; lại phải viết một tác phẩm để