giao cho y trước ngày mùng một tháng mười một
năm 1866, nếu
không thì Dostoïevsky sẽ mất hết bản quyền về những tác phẩm hiện đang
và sẽ viết. Nói một cách khác là nếu tới hạn mà ông không viết kịp thì đành
liệng cây bút đi, kiếm nghề khác mà sống, chứ viết để làm gì nữa, còn chút
bản quyền nào đâu? Quẫn bách quá, ông đành đưa đầu vào tròng cho hắn
thắt, nhưng độc giả sẽ thấy chính cái rủi đó lại hoá may, và tờ hợp đồng kỳ
dị đó đã thay đổi hẳn đời ông sau này.
Trả hết những món nợ gấp cho anh, thu xếp xong chỗ ăn chỗ ở cho các
cháu và đứa con riêng của vợ, ông lại đi du lịch ngoại quốc và từ đây bắt
đầu quãng đời lang thang, cơ hàn đê nhục nhất của Dostoïevsky.
Chỉ tại cái máu cờ bạc của ông. Tới tỉnh nào có sòng bạc lớn, ông cũng
ghé, rồi la cà suốt đêm ngày ở bên tấm thảm xanh, say mê trong cuộc đen
đỏ. Hễ được thì tiêu xài trong vài ngày, lại tiệm cầm đồ chuộc quần áo, rồi
khi thua cháy túi thì cầm đồ đạc, nhịn đói, viết thư xin tiền, chịu những
cảnh rất nhục nhã. Có một lần chủ một khách sạn mắng vào mặt ông: “Chú
không cần ăn vì chú không biết kiếm ăn. Tôi sẽ bảo bồi pha trà cho chú.
Thế thôi”. Ba ngày như vậy, sáng tối chỉ có trà, mà ông không thấy đói, chỉ
oán chủ khách sạn không đốt cho ông một cây nến để cho ông viết. Ông gởi
đi khắp nơi những bức thư không dán cò – tiền đâu mà mua cò? – giọng
như mếu, như khóc, năn nỉ, van lơn, thề sống thề chết sẽ không dám quấy
rầy nữa, sẽ chừa hẳn, không cờ bạc nữa, để xin năm mười rúp. Các tiệm
cầm đồ nhẵn mặt ông, các ngân hàng cũng nhẵn mặt ông vì ngày nào ông
cũng khoát áo lem luốc, vác bộ mặt thiểu não lại hỏi đôi ba lần xem thư gởi
tiền cho ông đã tới chưa.
Càng túng lại càng phải viết cho nhiều để trả nợ, vì chủ nợ thúc mỗi ngày
mỗi gấp. Trong nhật ký, ta thấy đoạn này:
“Làm sao tôi có thể viết được bây giờ? Tôi đi đi lại lại trong phòng, tôi bứt
tóc và ban đêm tôi không ngủ được. Tôi nghĩ đến cảnh cùng quẫn mà tôi