một tên cướp là Conrad, hung tợn và chán đời, chống lại xã hội, không
phục tùng ai và ghét hết cả mọi người. Tác phẩm bị chỉ trích dữ dội, nhưng
được rất được nhiều người hoan nghênh, chỉ trong mấy ngày bán 13.000
bản. Trong thi sử nhân loại chưa hề có điều lạ lùng đó.
*
* *
Cô Milbanke sau khi từ chối lời cầu hôn của Byron có vẻ hối hận và thầm
mong chàng lại cầu hôn một lần nữa. Phụ nữ có một số người như cô: họ
đọc sách nhiều, lý luận giỏi, muốn hành động theo lý trí, nhưng rốt cuộc chỉ
là hành động theo cảm xúc nhất thời, nên nhiều khi tự mâu thuẫn với mình
và tự dấn thân vào những cảnh éo le.
Annabella (tức Milbanke) tìm cách thư từ với Byron, ca tụng thơ chàng,
khuyên chàng đọc sách triết lý và tôn giáo, có cái ý muốn cải hoá chàng.
Cải hoá Byron, một người tin chắc rằng mình sống để chỉ đợi lúc xuống
Địa ngục!
Lòng tự ái của Byron trước bị thương tổn, bây giờ được vuốt ve. Chàng lại
hỏi cưới một lần nữa và lần này thì Annabella nhận lời. Nhưng đến ngày
cưới chàng đâm hoảng: ý trung nhân của chàng thông minh quá, có giọng
dạy đời quá, có vẻ một bà giáo hiền từ chứ không có chút bóng dáng của
một nàng thơ. Nàng muốn cho chàng thành một Socrate, nên gần nàng
chàng thấy ngượng nghịu. Cặp mắt nàng xoi mói, như nhìn thấu tâm can
chàng, chàng đâm bực mình. Như vậy thì làm sao sống chung với nhau
được? Chàng nói bóng nói gió cho nàng tự ý lùi bước. Nhưng nàng say mê
chàng quá rồi, đáp: “Không, em không lùi bước… Sẽ tràn trề hạnh phúc
anh ơi. Càng ngày em càng thấy khát khao được gần anh hơn lên”. Thôi
trời bắt thì đành chịu. Có đau khổ thì sau này đừng trách nhau nhé! Và đầu
năm 1815 họ làm lễ cưới. Khi sắp hạ bút ký tờ hôn thú, chàng ngửng lên
hỏi viên công chức ở đô sảnh: “Ông, tỉ số những cặp lại đây xin cưới nhau