rồi sau trở lại đây xin ly dị nhau là bao nhiêu hở ông?”. Một cuộc hôn nhân
như vậy không thể lâu bền được. Trong tuần trăng mật họ sung sướng thật;
nhưng trong cái vui vẫn có chút hằn học. Annabella vẫn tin có thể cải hoá
được ông chồng, và cho rằng chỉ bước đầu là khó khăn, hễ biết kiên nhẫn
thì việc gì cũng thành. Nhưng chàng chống lại kịch liệt, không muốn nghe
vợ thuyết giáo, giảng luân lý lại còn khiêu khích: “Ừ, cứ rán đi, xem có
thuyết phục nổi anh không?”.
Rồi chàng nhớ Augusta. Sự thân mật giữa hai chị em Byron, thiên hạ biết
hết cả rồi, giấu giếm làm gì nữa. Chàng đã thú thật với vợ. Annabella đúng
như một nhà hiền triết, đã không ghen, không trách móc chàng gì cả, mà
còn tỏ vẻ hiểu chồng nữa, cùng với chồng lại thăm Augusta, ở chơi với
Augusta khoảng một tuần lễ. Nàng chẳng những muốn cứu chàng mà còn
có tham vọng cứu cả Augusta nữa, lần lần dắt cả hai về con đường chính.
Giá nàng là đàn ông thì phải.
Từ biệt nàng Augusta rồi, hai vợ chồng lên Luân Đôn ở, đường Piccadily.
Annabella đúng là hạng vợ kiểu mẫu của một văn sĩ. Nàng hiểu thơ, phê
bình xác đáng, lại chịu khó chép bản thảo cho chồng. Augusta lại thăm họ
rồi ở với họ một thời gian. Mối tình tội lỗi lại tái diễn, gần như công khai.
Quá lắm rồi. Lần này thì phải ghen. Cảnh nhà lục đục, lại thêm chủ nợ
không ngày nào không lại ngồi đợi cả giờ ở phòng khách. Mà tâm hồn
Byron như muốn loạn: thỉnh thoảng nói nhảm một mình, đêm nào cũng
uống thuốc có nha phiến thì mới ngủ được. Cuối năm Annabelle sanh được
một đứa con gái đặt tên là Augusta Ada Byron. Chàng chẳng thương con,
thường bỏ nhà đi mấy ngày không về nhà. Annabella biết rằng không thể
sống chung với nhau được nữa, nhờ một y sĩ săn sóc bệnh tình của chàng
rồi ôm con về ở với mẹ, lánh chàng trong một ít lâu, xem tâm bệnh của
chàng có bớt không.
Sáng sớm hôm đó, xe đã đậu ở cửa. Nàng bồng con lại phòng ngủ của
chàng để từ biệt. Cửa còn đóng. Nàng đau xót ngồi bệt xuống cửa để đợi,